Chương trình giao lưu nghệ thuật 'Nửa thế kỷ thực hiện lời thề thiêng liêng với Bác'
(Thethaovanhoa.vn) - Tối 31/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Nhân dân phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch thực hiện chương trình giao lưu nghệ thuật “Nửa thế kỷ thực hiện lời thề thiêng liêng với Bác”. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam và để tưởng nhớ ngày Bác đi xa.
Đến dự chương trình ý nghĩa này có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Trong chương trình “Nửa thế kỷ thực hiện lời thề thiêng liêng với Bác”, các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam trình diễn các tiết mục nghệ thuật ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca ngợi Đảng, ca ngợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh"; “Đường chúng ta đi”, “Trên công trường rộn tiếng ca”…
Chương trình cũng chiếu nhiều thước phim tư liệu phóng sự đặc sắc, đoạn clip ngắn giàu cảm xúc, các nhân chứng lịch sử chia sẻ về những khoảnh khắc không thể nào quên như hình ảnh người dân viếng Bác Hồ, tư liệu về những dấu mốc quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bên cạnh đó là hình ảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cùng xây dựng và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau ngày giải phóng bằng lòng dũng cảm, sự tỉnh táo nắm bắt những xu hướng của thế giới, tự chủ vươn lên, bắt kịp sự phát triển của thời đại; xây dựng đội ngũ trẻ vừa hồng vừa chuyên; nhìn thẳng vào khuyết điểm để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân... đúng theo lời dặn của Người.
Đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những hình ảnh vĩnh biệt Bác Hồ ngày 2/9/1969 vẫn làm biết bao thế hệ người Việt Nam nghẹn ngào, xúc động. Những người chứng kiến ngày đưa tiễn Bác cách đây 50 năm như sống lại cảm giác tột cùng nỗi đau. Các thế hệ sau này dù không chứng kiến nỗi đau ấy, nhưng cũng cảm nhận được sự mất mát, đau thương của toàn Đảng, toàn dân tộc.
Suốt gần 5 năm trước ngày đi xa, hằng năm, vào dịp sinh nhật mình, từ ngày 15/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thầm lặng làm một việc thiêng liêng: Viết sẵn Di chúc. Bản Di chúc lịch sử của Bác Hồ đã chỉ đường dẫn lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là lời căn dặn, sự trao gửi và niềm tin đối với các thế hệ người Việt Nam; chúng ta có quyền tự hào báo cáo trước anh linh Bác: Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi Di chúc của Người, xứng đáng là thế hệ những con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh...
- Nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ và kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tại Thủ đô Hà Nội
- Trưng bày gần 300 hiện vật, tài liệu về 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ
- 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Triển lãm sách và hình ảnh chuyên đề 'Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta'
Trong những ngày mùa Thu lịch sử, người dân Việt Nam lại nhớ Bác khôn nguôi… 50 năm qua từ ngày Bác Hồ đi xa, để lại bản di chúc mà mỗi câu chữ đều có sức cảm hóa, lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam. Cùng nhìn lại bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người Việt Nam một lần nữa hiểu rằng tất cả vấn đề lớn lao mà Đảng ta, đất nước đã gặp đều không ngoài lo toan của Bác Hồ. Vũ khí mà Đảng và dân tộc phải có để vượt qua thử thách, đều nằm trong những lời căn dặn giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.
Thanh Giang