Chữ và nghĩa: '... vừa mũi người ấy'
(Thethaovanhoa.vn) - “Giupite đeo cho ta hai cái bị. Một cái đầy lỗi lầm của ta, đeo sau lưng. Còn một cái đầy lỗi lầm của kẻ khác, đeo trước mặt” (Phêdre).
"Rắm ai vừa mũi người ấy" là câu khá quen thuộc. Ai sống trên đời mà chẳng phải ăn, phải uống. Và ai sống trên đời cũng đều thực hiện những công việc bài tiết bình thường cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Một người ở trạng thái sức khỏe bình thường, bình quân mỗi ngày phải đi tiểu tiện vài lần, trung tiện cũng vài lần (theo giới y học thì mỗi người thường trung tiện từ 5-20 lần, tùy trạng thái sức khỏe và tùy loại thức ăn đưa vào cơ thể) và đại tiện khoảng 1-2 lần. Đó là biểu hiện tối cần thiết của chu kỳ trao đổi chất (ăn uống và bài tiết, đồng hóa và dị hóa). Thuật ngữ khoa học của “trung tiện” (đánh rắm) là “flatulence” (đầy hơi), từ này có nguồn gốc từ tiếng Latin “flatus”, có nghĩa là "gió và thối".
Trong 3 nhu cầu bài tiết thì trung tiện được thực hiện kín đáo hơn (do người ta có thể tự điều chỉnh (hoặc nín nhịn) luồng hơi thoát ra, không để lại "vật chứng" như nước tiểu và phân.
Bình thường, người ta ít để ý tới chuyện "chỉ mình mình biết" này. Tuy nhiên, với những bệnh nhân trải qua phẫu thuật các cơ quan tiêu hóa (dạ dày, ruột...) thì khi tỉnh mà có trung tiện lại rất quan trọng. Đó là dấu hiệu nhu động ruột đã trở lại hoạt động bình thường. Người bệnh bắt đầu chuyển sang giai đoạn chăm sóc mới, lúc đó có thể được cho ăn uống (sao cho phù hợp) và từ đó mà sức khỏe dần hồi phục.
Có một thực tế (liên quan tới sinh học và tâm lý học) là: Rắm đánh ra mang theo luồng hơi thối làm những người xung quanh khó chịu nhưng hầu như chẳng có "đương sự" nào thấy khó chịu (bởi cái mùi chẳng lấy gì thú vị này). Họ thậm chí còn thấy "thơm" nữa là khác. Họ chỉ cố gắng nín nhịn hay chạy ra một chỗ nào đó (không có người) để "xì hơi", tránh bị đánh giá là thiếu tế nhị và làm "ô nhiễm không khí".
Nhưng nếu chỉ là câu chuyện sinh lý thường nhật của mỗi người thì chả có gì đáng nói. Dân gian mượn hiện tượng này để chuyển tải một thông điệp ngữ nghĩa khác. Rằng "ở đời, người ta thường chỉ nhận ra cái dở, cái xấu của người khác chứ ít khi, (thậm chí chẳng bao giờ) nhìn ra cái dở, cái xấu của chính mình". Vì vậy, không ít người có thói quen chỉ thích phê bình, chỉ trích người khác. Bình thường họ đã thế, nhưng khi có vấn đề gì đó (mâu thuẫn, không ưa nhau) thì họ "nhìn ai cũng thấy khuyết điểm, có tật này tật nọ". Khuyết điểm, thiếu sót thì ai chẳng có. Nhưng người thiếu thiện chí thì "bới lông tìm vết", "bới bèo ra bọ". Thậm chí, họ còn dựng chuyện để nói xấu người khác.
Nhà văn và là nhà sử học nổi tiếng người Pháp là André Mauroi (1885-1967) từng nói: “Trong một cuộc tranh luận, cái khó không phải là bảo vệ ý kiến của mình mà ở chỗ, nhận ra cho đúng những ý kiến của mình”.
PGS-TS Phạm Văn Tình