Chữ và nghĩa: Vang và sâm banh là 'anh em ruột'
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đã biết có ba từ gốc Pháp khá quen thuộc là bia (bière), sâm banh (champagne) và (rượu) vang (vin). Bây giờ, dự tiệc (nhất là tiệc buffet) người ta hay mời uống các loại rượu vang. Còn sâm banh được mở (cho nổ tung) khi ăn mừng nhà mới, lên chức lên lương, đoạt giải quán quân trong một môn thể thao hay hạ thủy một con tàu mới...
Nhưng có lẽ, ít người biết hai từ vin (vang) và champagne (sâm banh) lại có anh em ruột thịt với nhau.
Từ vin có nguồn gốc từ tiếng Latin, là vinum. Từ này nhập vào tiếng Pháp từ thế kỉ thứ 10 (với cách viết "vin", đọc là "vang"). Riêng rượu vang ở vùng Champagne (Champenois) của nước Pháp rất nổi tiếng. Đến nỗi từ cuối thế kỉ 17, người ta không cần nói "vin de Champagne" (rượu vang vùng Champagne) mà chỉ cần nói "Champagne" là mọi người đều hiểu ngay đó là loại vang trắng (có nhiều bọt, còn gọi là vang nổ), được sản xuất từ vùng Champagne. (Vùng này, với sự biến động của thời tiết hết sức khắc nghiệt, kéo theo sự thất thường của những vụ nho. Nhưng chính sự khắc nghiệt của khí hậu đã tạo nên những trái nho khi lên men, cho ra một loại rượu có hương vị đặc biệt thơm ngon).
Tuy nhiên, nếu champagne là một từ đặc Pháp thì bière lại là từ Pháp gốc Hà Lan. Quãng những năm 20 thế kỉ 15, từ bier của Hà Lan nhập vào Pháp thành bière như ta đã biết. Sang tiếng Ý thành birra, tiếng Anh: Beer, tiếng Đức cổ: Bior, tiếng Đức hiện đại: Bier, tiếng Nga: Nиво (pivo), v.v.
Còn tiếng Việt: Bia, bia hơi, bia chai, bia lon, bia cỏ, bia đen, bia vàng,... đã trở nên quá quen thuộc với mọi người dân nói chung và đặc biệt nó trở thành món thông dụng ở các nhà hàng, quán nhậu hay các buổi tiệc tùng tại gia. Tuy nhiên, hiện tượng lạm dụng bia rượu đang ngày càng đáng lo ngại.
Forbes (tạp chí của Công ty Forbes - một công ty truyền thông lớn của Mỹ) dẫn báo cáo nghiên cứu của Tạp chí Y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng rượu tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990-2017, cho thấy tỉ trọng tiêu thụ rượu nguyên chất trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như Việt Nam, Ấn Độ...
Theo báo cáo này, tổng lượng tiêu thụ rượu trên toàn cầu mỗi năm từ 21 tỉ lít năm 1990 lên 35,7 tỉ lít vào 2017, tương đương tăng 70%. Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010-2017). Ở giai đoạn này, Việt Nam lại nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ lớn, gần 90% kể từ năm 2010. Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít...
Năm mới, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, hy vọng rằng mọi người đều nghiêm túc tuân thủ các quy định mới Luật này, đặc biệt là nói không với rượu bia khi lái xe.
PGS Phạm Văn Tình