Chữ và nghĩa: 'Lây' cả 'lòng tốt'?
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ trang unicef.org, từ ngày 6/5/2020, UNICEF Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam đã phát động Chiến dịch “Lòng tốt dễ lây” trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông xã hội, nhằm kêu gọi thanh thiếu niên thể hiện sự giúp đỡ cộng đồng bằng cách khuyến khích sự đồng cảm, bao dung, vị tha, hòa đồng và chia sẻ các giải pháp đổi mới sáng tạo để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Chiến dịch sẽ nhấn mạnh vào 3 thông điệp chính: Hãy giúp đỡ mọi người, Hãy đồng cảm và Hãy lạc quan.
Cũng theo unicef.org, Chiến dịch “Lòng tốt dễ lây” "khuyến khích thanh thiếu niên những người muốn sử dụng sức mạnh tuổi trẻ của mình để hành động, xua tan đi sự lo lắng, chia sẻ cảm xúc và ước mơ của mình với những những thanh thiếu niên khác trên cả nước. Mục đích của chiến dịch là để làm mạnh mẽ thêm tiếng nói của thanh thiếu niên thông qua việc khuyến khích các bạn chia sẻ tranh vẽ, video, các giải pháp sáng tạo và đổi mới trên các nền tảng số, mạng xã hội của UNICEF và Bộ Y tế. Chiến dịch này không chỉ thể hiện những gì thanh thiếu niên có thể làm trong đại dịch Covid-19 mà còn là những gì các bạn học được và sẽ làm khác đi khi cuộc sống trở lại bình thường”.
Nhìn chung, tinh thần của chiến dịch là muốn "lan toả và nhân rộng" vai trò tích cực của thanh thiếu niên Việt Nam, thể hiện qua thái độ, lời nói và việc làm với cộng đồng, chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó quả là việc làm hay và cần thiết trong lúc này.
Tuy nhiên, thông điệp thể hiện dưới dạng slogan "Lòng tốt dễ lây" lại là vấn đề cần bàn về mặt ngôn ngữ.
Ý tưởng của thông điệp này là: Lòng tốt (thái độ, tình cảm tốt lành, thiện ý của ai đó) dễ được tác động, lan tỏa sang người khác, tạo nên hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng. Nhưng việc dùng từ "lây" ở đây đã hợp lý và thực đắc dụng hay chưa?
“Lây” trong tiếng Việt có 2 nét nghĩa. 1. [bệnh] truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác (VD: lây qua đường hô hấp, bị lây bệnh); 2. có chung tình trạng, trạng thái tâm lý tình cảm với người khác do có quan hệ gần gũi (VD: vui lây cái vui của bạn, bị vạ lây, phải đòn lây, giận lây sang con, Chị dù thịt nát xương mòn/ Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây - Truyện Kiều) [Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2017].
Có thể nói, nghĩa chung của lây là "sự lan tỏa, nhân rộng (do tiếp xúc)". Nhưng sự lan tỏa (lây lan) đó thường chỉ dùng trong những trường hợp không hay, người có khả năng nhận "sự lan tỏa" đó không muốn nhận, thậm chí tránh xa. Đó là sự lây lan bệnh tật. Có ai muốn lây nhiễm các bệnh vẫn thường xảy ra trong cuộc sống: bệnh tả, bệnh kiết lị, bệnh lao, bệnh sởi, bệnh quai bị... đều có thể lây sang người khác qua nhiều đường khác nhau: qua không khí, qua tiếp xúc cơ thể, qua đường tiêu hóa... "Lây" như vậy đồng nghĩa với "truyền nhiễm", "lây nhiễm", "lây truyền"... Với những bệnh này, nếu không cẩn thận đề phòng thì bất cứ ai tiếp xúc với người bệnh đều có thể bị lây nhiễm và mắc bệnh. Bệnh do virus corona chủng mới (còn gọi Covid-19) đang hoành hành khắp thế giới thành một đại dịch là một ví dụ sinh động.
Đành rằng, "lây" có thể chỉ có sắc thái trung hòa, tức là có sự "chuyển di" một trạng thái cảm xúc nào đó cho nhau. Chẳng hạn: Nó cười rạng rỡ làm tôi cũng vui lây (cảm xúc tích cực). Cô ta ngồi ủ ê suốt buổi, làm lây cả nỗi buồn sang tôi (cảm xúc tiêu cực). Nhưng, về cơ bản, "lây" theo hướng nghĩa "phát tán một cái gì đó, thường đem lại bất lợi hay điều rủi ro cho người nhận". Trong tiếng Việt có một loạt từ liên quan tới trường nghĩa này:
- Lây dây (= lây nhây): Dai dẳng, kéo dài mãi không dứt (VD: Mưa gió lây dây hàng tháng trời. Nó cứ lây nhây mãi không chịu trả nợ).
- Lây lan: Lây và lan rộng ra (VD: Chẳng mấy chốc, dịch kiết lị đã lây lan khắp nơi).
- Lây nhiễm: Nhiễm bệnh do bị lây từ người khác (VD: Bệnh viện Bạch mai phải cách li triệt để, tránh lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng).
- Lây truyền: [Bệnh] lây từ người này sang người khác (VD: Bệnh AIDS lây truyền qua đường máu hay quan hệ tình dục).
v.v…
“Cứ theo ý tứ mà suy” thì xem chừng tổ hợp "Lòng tốt dễ lây" mà UNICEF và Bộ Y tế Việt Nam đang dùng để tuyên truyền nghe không "đắt", mặc dù chiến dịch này xuất phát từ lòng tốt và kêu gọi mọi người hãy hướng về đại dịch Covid-19 bằng lòng tốt.
PGS-TS Phạm Văn Tình