Chữ và nghĩa: Ke ga
"Ke ga" là gì nhỉ? Trong mấy ngày gần đây, dư luận và báo chí có lên tiếng bàn luận, trao đổi về từ này (được đặt trong biển hiệu chỉ dẫn "KE GA - PLATFORM" tại ga tàu tuyến metro số 1, TP.HCM). Có người cho rằng cách gọi này không bình thường, vì không quen thuộc, khó hiểu, gây khó khăn cho hành khách tham gia giao thông.
Từ "ke ga" đã được Luật Đường sắt (ban hành 7/2017) làm rõ trong Khoản 16, Điều 3 (Giải thích từ ngữ). Đó là "công trình đường sắt trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa".
Chúng ta đã biết, trải qua quá trình lịch sử, tiếng Việt có một số lượng từ ngoại lai không nhỏ. Ngoài từ gốc Hán (từ Hán - Việt) có số lượng cao nhất (chừng 36%) thì các từ tiếng Pháp chiếm tỷ lệ áp đảo so với các ngôn ngữ còn lại (Anh, Latin, Nga, Tây Ban Nha…).
Các từ gốc Pháp được thống kê (khá đầy đủ, khoảng gần 2.000 từ), qua 2 cuốn từ điển gần đây: 1. "Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp" (Nguyễn Quảng Tuân - Nguyễn Đức Dân, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM, 1992); 2. "Từ điển các từ gốc Âu Mỹ trong tiếng Việt" (Bùi Khắc Việt - Vương Lộc, NXB Dân trí, 2022).
Những từ gốc Pháp (được khảo sát qua giao tiếp tiếng Việt) liên quan tới đường sắt và giao thông đường sắt có khá nhiều. (Người Pháp khi chiếm đóng và áp đặt quyền cai trị ở Việt Nam và Đông Dương đã coi việc xây dựng hệ thống đường sắt là ưu tiên số 1). Không có nhiều khó khăn để thống kê "sơ bộ" một số từ liên quan đến giao thông đường sắt.
Ví dụ ga (gare), bắt nguồn từ động từ "garer" (cho vào đường tránh đỗ xe), có nghĩa "công trình xây dựng làm nơi để hành khách đi xuống, hoặc để xếp dỡ hàng hóa ở những điểm quy định cho xe lửa, xe điện hoặc máy bay đỗ trên các tuyến đường đi, đường bay"; ví dụ: Ga Hà Nội, Ga Diêu Trì, Ga Nội Bài, Ga Côn Đảo…
Vài từ khác, xếp theo thứ tự trong từ điển:
- ghi (aiguille), có nghĩa "thiết bị ở chỗ nối các đường ray giúp cho các đoàn tàu có thể chạy từ đường ray này sang đường ray khác"; ví dụ: Thợ bẻ ghi, Tiếng xe lửa rít mạnh khi vào ghi; Giữ an toàn hai đầu ghi…
- ray (rail), gốc Latin "regula" (thanh, khuôn mẫu), có nghĩa "thanh thép hoặc sắt ghép nối lại với nhau thành hai đường thẳng song song, làm thành đường cho xe lửa, xe goòng, xe điện chạy…"; ví dụ: Xe lửa trật đường ray, Con đường đã bắt ray và rải đá, Ray ngoài phải cao hơn ray trong….
- sếp ga, trưởng ga (chef de gare), tiếng Việt vẫn dùng phổ biến là "trưởng ga"; ví dụ: Phòng Trưởng ga có 2 người trực, Phải có ý kiến Trưởng ga, Trưởng ga là phụ nữ….
- súp-de, nồi hơi (chaudière), cấu tạo từ "chaud" (nóng), tiếng Pháp cổ chỉ "cái vạc, cái chảo để nấu", có nghĩa "thùng chứa bằng kim loại dùng đun nước lấy hơi có áp suất cao để chạy động cơ hơi nước"; ví dụ: Nồi súp-de thông thường, Đi qua nồi súp-de sôi sùng sục, Tàu này có hai nồi súp-de….
- va-gông, toa (wagon), có nghĩa "phương tiện vận tải chạy trên đường ray, do đầu máy xe lửa hay xe điện kéo, để chở người hoặc hàng hóa"; ví dụ: Bốn va-gông than, Tàu kéo theo va-gông hàng nặng, Biết bao nhiêu quả phụ/ Nhăn trán nhìn va-gông/ Bao nhiêu nàng ủ rũ/ Run rẩy đứng trông chồng. (Tố Hữu), ….
Trở lại với từ "ke ga" đang được bàn luận. Tổ hợp 2 âm tiết này là phiên cách đọc từ tiếng Pháp. Nó đồng nghĩa với tổ hợp "station platform" trong tiếng Anh. Trong từ điển (tiếng Pháp, hoặc từ điển song ngữ Pháp - tiếng nước ngoài), nó được xếp riêng thành 2 mục từ: "quai" (ke) và "gare" (ga). Với tiếng Pháp, kết hợp "ke ga" phải thêm giới từ (và có thể thêm mạo từ): quai de (la) gare.
Từ "ke" không có gì xa lạ và đã xuất hiện trong tiếng Việt từ lâu. "Từ điển tiếng Việt" (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) đã thống kê từ "ke" và giải nghĩa như sau: "ke d. dải nền xây cao bên cạnh đường sắt ở trong sân ga để cho hành khách tiện lên xuống tàu hoặc xếp dỡ hàng hóa".
Trước đây (và hiện nay cũng còn) hiện tượng những người đi đưa tiễn người nhà vào ga lên tàu, phải mua một loại vé gọi là "vé ke" (billet de quai). Những người này chỉ được đứng trong phạm vi "đường ke", giúp cho người thân vận chuyển hàng hóa, hành lý lên tàu và vẫy tay tạm biệt khi tàu chạy.
Em vào đứng ở "ke ga"
Cẩn thận những lúc tàu ra, tàu vào