Chữ và nghĩa: 'Tang tảng' và 'nhá nhem'
Đó là 2 tính từ chỉ 2 khoảng thời gian trong ngày. "Tang tảng" dùng chỉ một khoảng thời gian vào buổi sáng, còn "nhá nhem" dùng cho buổi chiều.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa 2 từ này như sau:
tang tảng (sáng) t. [trời] mới vừa mờ mờ sáng (VD: "Trằn trọc mãi không ngủ nổi, đến khi vừa chợp mắt một chút thì trời đã tang tảng sáng, đã thấy thiên hạ nhộn nhạo trở dậy từ bao giờ" - Chu Lai).
nhá nhem t. [trời] mờ mờ tối, khó nhìn rõ mọi vật, lúc mặt trời đã lặn (VD: "Lúc bấy giờ đã nhá nhem mặt người. Cảnh vật chìm trong bóng chiều" - Kim Lân).
Hai từ chỉ 2 thời điểm khác nhau. Nhưng lại có điểm chung là chúng đều chỉ một khoảng thời gian kéo dài không lâu, là ranh giới giữa 2 khoảng "tối - sáng" trong chiết đoạn thời gian trong ngày. "Tang tảng" là khoảng tiếp giáp giữa ban đêm và ban ngày (Trời tang tảng sáng là trời bắt đầu sáng, mặt trời nhô lên, một ngày mới bắt đầu). Còn "nhá nhem" là khoảng tiếp giáp giữa ban ngày và ban đêm (Trời nhá nhem là dấu hiệu sắp chuyển vào buổi đêm, với những sinh hoạt trong bóng tối, lúc mặt trời ngừng chiếu sáng). Nói chung, vào khoảng thời gian giao thời này, con người và vạn vật đều có sự chuyển đổi về hành vi cho thích hợp.
Dân gian ta có câu tục ngữ "Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông" (Tôm vốn hay đi ăn vào lúc chạng vạng (đầu buổi tối) tối, còn cá lại hay đi ăn vào lúc rạng đông (đầu buổi sáng)). Người ta thường gấp gáp thu xếp làm nốt công việc cho xong hoặc tranh thủ về nhà (lúc chiều tối) và cũng sửa soạn để bắt đầu các công việc cho một ngày mới (lúc buổi sáng).
Như vậy, cả 2 từ có dạng láy (nhá nhem, tang tảng) này đều mô tả một thời điểm "giáp ranh" giữa tối và sáng. Nếu là buổi sáng là "bóng tối đang mất dần nhường chỗ cho trời sáng". Nếu là buổi tối "ánh sáng đang mất dẫn nhường chỗ cho trời tối". "Nhá nhem" đồng nghĩa với các từ: Chạng vang, chập choạng, nhập nhoạng, nhọ mặt người. "Tang tảng" không có đồng nghĩa. Cả 2 từ có một nét nghĩa chung là "tranh tối tranh sáng." (Trời chưa tối hẳn hoặc chưa sáng hẳn, đang còn ánh sáng mờ mờ). Đó là một khoảnh khắc giao thời.
Do sự độc đáo về ngữ nghĩa nên 2 tính từ "tang tảng" và "nhá nhem" được sử dụng khá đặc biệt. Thực tế, mỗi từ này chỉ dùng duy nhất trong kết hợp với "trời" (tạo thành một câu có nòng cốt "chủ + vị" mà vị từ là tính từ): Trời tang tảng sáng và trời tối nhá nhem. Trạng thái này làm cho cảnh vật được nhận diện mờ ảo, không được rõ.
Trong tiếng Việt, cũng có một số từ chỉ có ngữ trị (valence: Khả năng kết hợp) bằng 1 (đơn trị, duy nhất). Chẳng hạn, các từ sau có kết hợp hạn chế trong phạm vi hẹp: "Tạnh" chỉ kết hợp với "mưa" (mưa tạnh); "gáy" chỉ kết hợp với "gà" (gà gáy); "sủa" chỉ kết hợp với "chó" (chó sủa), v.v.
Tranh tối tranh sáng như nhau
Cái chuẩn bị tối, cái đầu bình minh