Chữ và nghĩa: Giọt bắn
(Thethaovanhoa.vn) - Chắc mọi người đều biết rõ, virus corona 2019 (SARS-CoV-2) lây trực tiếp từ người sang người chủ yếu theo “giọt bắn” qua đường hô hấp khi tiếp xúc.
Gần đây, báo chí truyền thông nói nhiều đến khái niệm “giọt bắn” (tiếng Việt toàn dân từ trước đến nay chưa sử dụng từ này). Tiếng Việt chỉ có từ “giọt”, như: giọt nước, giọt sương, giọt mực, giọt máu, giọt lệ… Khi nói tới những giọt này, ta hình dung ra một “khối chất lỏng có dạng hạt tròn nhỏ”. Hạt tròn đó hoàn toàn có thể nhận diện bằng mắt thường vì nó khá to.
Giọt nước mắt của ai đó rơi trên má hẳn là nhìn rất rõ. Giọt sương, giọt mưa, giọt máu… đã được “lãng mạn hóa” đi vào các áng văn chương của các nhà thơ: “Từng giọt mưa rơi rơi/ Em giơ tay hứng về” (Thanh Hải); “Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại/ Còn một giọt máu tươi còn đập mãi” (Tố Hữu) v.v…
Nhưng “giọt bắn” thì lại hoàn toàn khác.
Giọt bắn (droplet) được hiểu là các giọt chất lỏng kích thước nhỏ hoặc siêu nhỏ được tạo ra (bắn ra) từ các hoạt động vật lý của con người, trong đó có sự tham gia của quá trình tiết dịch (các chất tiết ra từ cơ thể) như: Chảy máu, đi tiểu, đi ngoài, nôn mửa, ho, hắt xì hơi…
Có nhiều bệnh lây truyền theo giọt bắn, thường xảy ra qua sự phân tán những giọt phân tử hô hấp lớn (>5mm) tạo ra trong trong quá trình ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc trong một số thủ thuật như hút rửa, nội soi. Sự lây truyền qua giọt bắn diễn ra khi có sự tiếp xúc gần giữa người bệnh và người khỏe. Những giọt li ti chứa virus có khi chỉ di chuyển một khoảng ngắn trong không khí (<1-2m) và đi vào kết mạc mắt, niêm mạc mũi, miệng của người kế cận...
Tất cả các bệnh cúm hay sởi có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng thông qua các hạt chất lỏng siêu nhỏ (aerosol) phát tán lơ lửng trong không khí. Với căn bệnh Covid-19, hiện tượng lây truyền này thường diễn ra khi có sự tiếp xúc gần của người bệnh (F0) và người bị nhiễm virus có nguy cơ bị bệnh (F1, F2…).
Để ngăn ngừa sự lây lan Covid-19, căn cứ vào các chứng cứ khoa học, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa như: Mọi người đều phải mang khẩu trang hoặc thêm kính chắn giọt bắn trong các tình huống cụ thể, như ở những nơi công cộng - nơi đã có hiện tượng lây truyền trong cộng đồng và những nơi mà các biện pháp phòng ngừa khác không thể thực hiện được.
Nhân viên y tế phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây lan qua tiếp xúc và giọt bắn khi chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ và bệnh nhân xác định mắc Covid-19, và sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây lan qua không khí khi thực hiện các kỹ thuật chăm sóc có tạo khí dung...
Có thể nói, trong chiến dịch chống Covid-19, việc thực hiện phòng ngừa “giọt bắn” là một nhiệm vụ quan trọng giúp chúng ta kiểm soát sự lây nhiễm chéo khi tiếp xúc trực tiếp. Đây là cách phòng ngừa quan trọng nhất, nhằm hạn chế sự lây truyền từ người sang người, từ người sang môi trường, giúp cho việc kiểm soát và khống chế được dịch.
PGS-TS Phạm Văn Tình