Chữ và nghĩa: Đâu mới là Việt Nam?
(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, FOUR PAWS (một tổ chức bảo vệ phúc lợi động vật toàn cầu) đã phát động một chiến dịch mang tên “Đây không phải Việt Nam”, thể hiện thái độ phản đối về việc buôn bán chó, mèo để lấy thịt, đồng thời kêu gọi mọi người hưởng ứng.
Trên một số báo và trên fanpage của mình (https://www.facebook.com/fourpawsviet.org/) tổ chức này đã đưa lên avatar một hình ảnh với mấy thông tin:
1. Hình nền có đầu một chú chó nằm trong song sắt với khuôn mặt buồn bã và ánh mắt tuyệt vọng (chắc bị người bắt và nhốt, chuẩn bị đem đi giết thịt);
2. Một logo cho chiến dịch này (mặt con chó cách điệu, phía trên có hình không rõ là biểu trưng song sắt hay bàn tay “bảo vệ”?);
3. Một câu slogan “Đây không phải Việt Nam”, dưới đó có phụ đề “Nói không với nạn buôn bán thịt chó mèo”.
Ngoài ra còn có một bức ảnh chú mèo gắn với slogan trên.
Có thể nói quảng cáo trên được thiết kế khá ấn tượng (hình họa kèm theo chữ lồng). Nhưng nếu coi slogan này với tư cách một thông điệp quảng bá truyền thông thì có mấy vấn đề chúng ta phải bàn thêm.
Slogan (được dịch là “câu khẩu hiệu”, “biểu ngôn”) chính là một câu nói có chức năng “định vị thương hiệu” cho một cá nhân, một tổ chức, một thương hiệu, một sản phẩm hay một hoạt động xã hội nào đó. Về cấu tạo, slogan là một tổ hợp ngôn từ ngắn gọn, dễ đọc, dễ viết, dễ bố cục trong maquette hình ảnh. Về ngữ nghĩa, slogan phải làm sao dễ hiểu, dễ nhớ, dễ dịch (sang tiếng nước ngoài), giàu ý nghĩa biểu trưng, tăng hiệu quả quảng bá về mục tiêu mà chủ thể của nó cần hướng tới (nhưng không được làm lệch hướng, hiểu sai).
Slogan “Đây không phải Việt Nam” được ghép với hình ảnh như vậy liệu có gây phản cảm vì sự không rõ ràng? Nếu câu này (Đây không phải Việt Nam) đi với hình ảnh một nơi nào đó (bãi biển, cánh đồng, bìa rừng…) ngổn ngang rác rưởi thì có thể là một lời kêu gọi “Việt Nam không thể mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường như vậy”. Hay với hình ảnh một lũ trẻ con trần truồng, nhếch nhác, đang bới rác để ăn (trong lúc người đi đường đứng nhìn) để khẳng định “Việt Nam không thể có cảnh trẻ em bị bỏ mặc, sống trong cảnh đói khát, tủi nhục trước sự dửng dưng của cộng đồng” v.v...
Tất nhiên, dưới bức tranh còn thêm câu “Nói không với nạn buôn bán thịt chó, mèo”. Đấy là ý tưởng, mục đích mà tổ chức bảo vệ động vật hướng tới (không cổ súy cho việc buôn bán, ăn thịt chó, mèo đang có trong cộng đồng). Chúng ta sẵn sàng chia sẻ và đồng tình ý nguyện đó. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, việc người dân Việt Nam dùng các loại thịt động vật (như trâu, bò, ngựa, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng…) làm thực phẩm là nhu cầu và thói quen từ bao đời nay. Tiết canh lòng lợn, thịt chó nấu nhựa mận, dồi chó luộc quay than hồng, thịt trâu xào tỏi, gà luộc lá chanh… đã là những món ăn rất quen thuộc, thậm chí trở thành thực đơn khoái khẩu với bao người.
Phá bỏ một lề thói đi vào văn hóa ẩm thực dân gian (ở đây là vận động không ăn thịt chó, mèo) không thể bằng một quy định, một khẩu hiệu “áp đặt” mà phải bằng sự tuyên truyền, quảng bá, giúp người dân từ bỏ việc ăn thịt chó mèo - những vật nuôi được coi là những người bạn.
- Ngẫm ngợi cuối tuần: sao người ta có thể ăn thịt chó mèo ngon thế?!
- 'Vua chó mèo' Bảo Sinh: Chưa phải lúc đề xuất cấm thịt chó!
“Đây không phải Việt Nam”, thông điệp này có thể nói, chưa thực sự phù hợp bởi: 1) nói “đại ngôn”, “đao to búa lớn” (dễ bị hiểu sai) và 2) khó khả thi vì không xuất phát từ thực tế ẩm thực lâu đời của người Việt để có một chiến lược tiếp thị thỏa đáng. Người dân có thể sẽ nghe, không phản đối. Còn việc người ta có thực thi hay không thì lại là việc khác.
“Đây không phải Việt Nam”, vậy “Đâu mới là Việt Nam”? Việc viết slogan thế nào cho phải, quả là một công việc không hề dễ.
Còn nhớ năm ngoái, UNICEF phát động chiến dịch truyền thông "Lòng tốt dễ lây" với thông điệp rất tích cực, nhưng cách dùng từ ngữ tiếng Việt lại có những vấn đề cần bàn mà chúng tôi đã góp ý cũng trên mục này ngày 13/05/2020.
PGS-TS Phạm Văn Tình