Chữ và nghĩa: 'Chân lưng' có giống chân trời?
"Chân lưng", một từ rất lạ, hiện tại chưa được thống kê trong các cuốn từ điển tiếng Việt (như một đơn vị định danh được dùng phổ biến trong giao tiếp thường ngày).
Chính vì vậy mà, vừa rồi, khi một cô giáo dạy ngữ văn ở một trường trung học phổ thông tại Vĩnh Phúc (mà tôi rất hay trao đổi trên messenger về các vấn đề liên quan tới ngôn ngữ) hỏi tôi: "Thưa thầy! Từ "chân lưng" có nghĩa gì ạ?". Tôi đã hết sức lúng túng.
Thú thực, trong suy nghĩ hoàn toàn mang tính cảm thức, tôi không hề có khái niệm "chân lưng". Và cũng vì đang bận nên tôi trả lời hú hoạ: "Có lẽ đó là một từ chỉ "phần dưới cùng của lưng", như chân trời, chân bàn, chân trang, chân chống, chân thang…".
Trong tiếng Việt toàn dân, "chân" là một thành tố có nghĩa, chỉ "bộ phận dưới cùng của cơ thể người hoặc động vật, dùng để đi, đứng, chạy, nhảy" (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Từ nghĩa gốc này, "chân" kết hợp với những thành tố khác, mang nghĩa hoán dụ: Chân tường (phần phía dưới cùng của tường), chân trời (đường giới hạn của tầm mắt nơi xa tít, trông xa tưởng như bầu trời tiếp giáp với mặt đất hay mặt biển), chân trang (phần dưới cùng của trang giấy), chân thang (phần dưới cùng của thang).v.v…
Cho rằng cách giải thích ban đầu của tôi chưa thỏa đáng, cô giáo nọ liền gửi cho tôi bản chụp bài kiểm tra môn ngữ văn, học kỳ 2 (của một trường THCS) để tôi tham khảo. Bài kiểm tra yêu cầu học sinh đọc hiểu bài thơ ngụ ngôn nhan đề "Lão nông và các con" của La Fontaine (Pháp) qua bản dịch của nhà thơ Tú Mỡ (đã xuất bản). Bốn câu mở đầu là:
"Hãy lao động cần cù gắng sức
Ấy chân lưng sung túc nhất đời
Phú nông gần đất xa trời
Họp riêng con lại ngỏ lời thiết tha"
Xem lại văn bản, tôi giật mình về cách giải thích tùy tiện (có phần cẩu thả) của tôi. Vậy phải hiểu từ "chân lưng" thế nào cho đúng?
Từ này là một kết hợp hai thành tố (chân + lưng) đều có nghĩa. "Chân" không phải danh từ chỉ "chân" trong chân người, mà là một tính từ, có nghĩa là "thật, đúng với hiện thực". Còn "lưng", Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) xếp vào danh từ, có 5 nét nghĩa. Nghĩa thứ 5 (liên quan tới tổ hợp trên) được giải thích là "dải hoặc bao dài bằng vải buộc ngang lưng cho đẹp, hoặc [thời trước] để đựng tiền; thường dùng để chỉ tiền riêng, tiền vốn. (VD: lần lưng lấy tiền; dành dụm được ít tiền giữ lưng; Bõ công cha mẹ sắm sanh/ Tiền lưng gạo bị cho anh vào trường (ca dao)". Nghĩa này về cơ bản đã có từ lâu.
Vương Lộc (trong Từ điển từ cổ, NXB Đà Nẵng, 2001) cũng cho "lưng" là danh từ chỉ "lưng vốn, vốn liếng". (VD: Sang đây kiếm ít đem về làm lưng (truyện "Trinh thử"); Chung lưng mở một ngôi hàng/ Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề (Truyện Kiều); Mỏng lưng xem cũng không giàu/ Nhiều miệng lấy chi cho đủ (Nguyễn Công Trứ)). Có lẽ bắt nguồn từ vị trí mà cái dải, cái bao dài thắt ngang cơ thể (ngang lưng) của các bà các chị mà "lưng" trở thành từ "đại diện" mang tính định danh, chỉ vốn liếng của ai đó. (Vốn: tiền của bỏ ra lúc đầu, dùng trong sản xuất, kinh doanh nhằm sinh lợi).
"Chân lưng" chỉ "vốn liếng thực, chân chính" mà người cha (phú ông) trong truyện lấy đó dặn dò con cháu trước lúc ông qua đời. Theo La Fontaine, ông bố đã "Lấy câu lao động là vàng dạy con". Có lao động chân chính, có thái độ sống chân thực thì ai đó đi vào con đường làm ăn cũng sẽ có được "chân lưng'.
Chân lưng đâu phải chân trời
Mà là vốn liếng của người thẳng ngay