Chữ Quốc ngữ - sự kế thừa và những lần cải cách thảm bại
(Thethaovanhoa.vn) - “Chữ viết khi đã hình thành và trở thành công cụ của xã hội trong thời gian dài cả thế kỉ thì nó đã mang trong mình những đặc điểm văn hóa của cộng đồng sử dụng nó" – TS Nguyễn Thị Bạch Nhạn khẳng định.
- Lật lại sự thay đổi của Chữ Quốc ngữ qua gần 400 năm
- Đến chuyên gia Nga cũng phải 'thảo luận' về ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền
- Thăng trầm và những cuộc cải cách bất thành của chữ Quốc ngữ
Bởi thế, trong cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), bà khẳng định: "Chữ viết trở thành một biểu tượng trong nhận thức của cộng đồng. Những từ ngữ, những địa danh, nhân danh đã đi vào trong tiềm thức của cộng đồng. Sự thay đổi những hình thức này, dù là nhân danh tính hợp lý đi chăng nữa, cũng sẽ xóa tất cả những gì mà nó đã tạo ra”.
* Đối với chữ viết tiếng Việt, cái gì là cách tân, cải tiến… cho thuận tiện, hợp lý, hợp thời hơn?
- Những cải tiến cách tân cho tiện lợi và hợp thời hơn rõ nhất là loại bỏ những chữ viết ghi các âm cổ của tiếng Việt mà sau này không còn nữa, hoặc chỉ còn bảo lưu trong cách phát âm của một số vùng miền địa phương. Và đối với tổ chức hệ thống, sự cải tiến là lựa chọn một hoặc một vài hình thức đã được dùng trước đó cho tiết kiệm và đảm bảo tính chặt chẽ.
Về phụ âm đầu, ví dụ các tổ hợp con chữ bl, tl, ml là những hình thức chữ viết để ghi các phụ âm kép của tiếng Việt ở thế kỷ 17 trở về trước. Sau đó trong hệ thống âm tiếng Việt bắt đầu có hiện tượng giải thể tổ hợp phụ âm thành phụ âm đơn cho nên trong Từ điển Việt - Bồ - La, một số từ có 2 cách viết, vừa viết bằng tổ hợp con chữ vừa viết bằng chữ ghi phụ âm đơn. Ví dụ plăn/lăn, mnhạt/ nhạt, blái molt (trái nhót), tlứng/trấng (quả trứng). Hoặc năm 1651 viết Blời, năm 1772 viết Trời, ngày nay viết trời; năm 1651 viết cũ nhau, năm 1772 viết cùng nhău, năm 1838 viết cùng nhau…
* Còn nhiều chữ hay cách viết nào trong Từ điển Việt-Bồ-La vẫn là cách viết của ngày hôm nay không?
- Ngoài những phụ âm đầu và hệ thống vần có sự biến đổi trong quá trình phát triển lịch sử như đã được nêu, thì những chữ viết ghi âm đầu hoặc ghi các vần khác, đều thống nhất từ trước tới nay. Ví dụ: bên, béo, cắt, câu, chài, chải đầu, cứu, kẻ chợ, gà, gạch cua, gió, giơ, hiểm, kiệu, leo, lên, lửa leo lét, mồ hôi, nước, phép, quát, quét, rám mặt, rước, tràng hột, xa, xao…
* Vậy thì quan điểm của chị về mức độ hoàn thiện hoặc chưa hoàn thiện của tiếng Việt ngày nay là gì?
- Chữ viết là hệ thống kí hiệu để ghi ngôn ngữ âm thanh, tôi nói ghi ngôn ngữ âm thanh chứ không nhất thiết phải ghi âm thanh ngôn ngữ, nó cũng không phải là phiên âm, nó có cách thức tổ chức thành hệ thống với những mối quan hệ phức tạp riêng. Và hệ thống kí hiệu nào cũng mang tính quy ước do con người chấp nhận để sử dụng.
Chữ quốc ngữ qua quá trình phát triển đã trở thành một hệ thống chặt chẽ giữ chức năng khu biệt tốt các tín hiệu ngôn ngữ của tiếng Việt, tuy có một số trường hợp sử dụng nhiều con chữ cùng ghi một âm, nhưng chúng có quy tắc phân bố chặt chẽ nên cũng không gây khó khăn khi sử dụng.
Nhiều người cho rằng chữ quốc ngữ chưa hoàn thiện vì họ thấy nó không tuân thủ nguyên tắc lí tưởng một con chữ, một âm tố (hoặc âm vị) của loại chữ viết ghi âm. Tuy nhiên cần thấy rằng không có một hệ thống chữ viết nào được đánh giá hoàn thiện theo tiêu chuẩn đó, vì chữ viết thì ổn định mà hệ thống âm thanh thì biến đổi trong quá trình lịch sử.
Chẳng hạn hai chữ d và gi, trong tiếng Việt ở thế kỉ 17 vốn ghi hai âm khác nhau, nhưng trong quá trình phát triển lịch sử chúng trở thành đồng âm, và đó là lý do có người đề nghị chỉ dùng một chữ để ghi. Tuy nhiên chúng ta biết rằng gia và da có nghĩa khác nhau và hình thức chữ viết khác nhau này không những giúp cho chúng ta phân biệt nghĩa của chúng mà còn giúp chúng ta biết được quá trình biến âm đã xảy ra trong lịch sử.
Chữ viết là tín hiệu thị giác nên cách sử dụng cách tiếp nhận nó cũng khác với ngôn ngữ âm thanh. Ở đây không còn mối quan hệ giữa âm và nghĩa, mà là quan hệ giữa chữ và nghĩa. Âm thanh và chữ viết đều là mặt biểu đạt của ngôn ngữ nên nó phải đảm bảo chức năng khu biệt các tín hiệu mang nghĩa khác nhau. Hệ thống chữ viết (phụ âm đầu) mà ông Bùi Hiền đề xuất tuy có số lượng chữ cái ít hơn hệ thống cũ nhưng nó làm tăng số lượng từ đồng âm, đồng tự lên rất lớn, đều này gây khó khăn cho việc sử dụng trong hoạt động giao tiếp.
* Nếu nhìn từ khía cạnh lịch sử chữ quốc ngữ, chị nghĩ nên xếp công việc của ông Bùi Hiền vào góc độ, chỗ đứng nào?
- Nhìn từ lịch sử hình thành và sử dụng chữ quốc ngữ có thể thấy chữ viết này đã trải qua một quá trình cải tiến sâu sắc, từ một hệ thống khá phức tạp và chưa hoàn toàn thống nhất đến một hệ thống tương đối chặt chẽ và thống nhất. Nếu ai đã từng nghiên cứu lịch sử chữ quốc ngữ thì sẽ thấy những đề nghị cải cách đều đã được trải nghiệm và từ bỏ trước đó.
Chẳng hạn trong Từ điển Việt -Bồ - La cũng viết ko, kơ, ku, kư (tr 384) bên cạnh co, cơ, cu, cư. Điều đáng chú ý là những sự cải tiến này chỉ thành công ở giai đoạn đầu, khi chữ quốc ngữ chưa được phổ biến rộng rãi mà chỉ được sử dụng trong nhà thờ với mục đích tôn giáo. Nhưng, khi đã được phổ biến ngoài xã hội, với quá trình sử dụng gần một thế kỉ thì mọi ước muốn cải tiến đều vấp phải sự cản trở của thói quen xã hội, của những di sản đồ sộ về khoa học, văn chương mà khi thay đổi chữ viết đều phải chuyển dịch lại, đặc biệt hơn, nó đã là một hệ thống ổn định, mọi sự thay đổi đều phá vỡ thế ổn định đó.
Vào năm 1982, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra thông tư về chuẩn chính tả tiếng Việt trong đó yêu cầu sử dụng chữ i thay cho y trong những từ như lý, ty… Thế nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen viết như cũ, ngoài ra, khi Nhà xuất bản Giáo dục in sách giáo khoa lịch sử đã viết Nhà Lý thành Nhà Lí, nhiều người bất bình vì họ thấy cách viết như vậy đã xúc phạm đến truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc.
* Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện.
(Còn nữa)
Văn Bảy (thực hiện)