Chờ gì ở Lý Sơn?
(Thethaovanhoa.vn) - “Cụm Lý Sơn - Sa Huỳnh có rất nhiều tiềm năng để trở thành một Công viên địa chất toàn cầu” - nhận xét ấy được nhiều chuyên gia đưa ra trong cuộc hội thảo quốc tế vừa diễn ra tại đây.
Theo kế hoạch, vào cuối năm 2019 này, hồ sơ của công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh sẽ được đệ trình lên UNESCO để xin xét tặng danh hiệu cấp thế giới. Rộng hơn, ý tưởng ấy cũng đã được đề ra từ 4 năm trước, kèm theo đó là một lộ trình chuẩn bị khá kỹ lưỡng và công phu.
Vậy, việc sở hữu danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) sẽ mang lại những gì cho vùng đất này?
Câu trả lời trực tiếp – và dễ nhận thấy nhất – chính là cơ hội phát triển du lịch. Thực chất, khi đưa ra khái niệm CVĐCTC (dành cho cho những khu vực rộng, có điểm địa chất đạt giá trị cao về thẩm mỹ và giàu ý nghĩa giáo dục), UNESCO cũng đã công bố một mục đích chiến lược : tạo cơ hội phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và văn hóa cho những nơi được vinh danh.
Xa hơn, dù chưa phát triển mạnh tại Việt Nam, loại hình “du lịch địa chất” đang là xu hướng được ưa chuộng trên thế giới, khi ngành công nghiệp du lịch luôn cố gắng tìm kiếm sự đa dạng để xoay vòng. Theo đó, dựa trên trải nghiệm của bản thân, du khách sẽ được cung cấp những thông tin, kiến thức về lịch sử hình thành và sản phẩm tự nhiên của các cảnh quan được tạo thành từ sự biến đổi địa chất.
Mà thực tế, từ rất lâu, Lý Sơn vẫn được biết tới như một điểm du lịch đặc biệt của Việt Nam - cả về giá trị vật thể và phi vật thể. Đó không chỉ là cụm đảo của biển xanh cát trắng, với các miệng núi lửa khổng lồ và hệ thống san hô phong phú, mà còn gắn kèm với tục thờ cá ông voi, dấu vết văn hóa Chăm pa và đặc biệt là lễ khao thề tế lính Hoàng Sa đã hình thành từ 400 năm trước.
Đặc biệt, với sự tư vấn của các chuyên gia, vào cuối năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi đã lên kế hoạch mở rộng công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh ra một vùng diện tích lên tới... 4600 km2 (gồm cả mặt biển và đất liền), thay vì chỉ giới hạn tại đảo Lý Sơn và vùng ven Bình Châu như ý tưởng ban đầu. Việc mở rộng quy mô ấy giúp cho khu vực này kết nối hầu hết được những giá trị văn hóa của Quảng Ngãi – mà đặc biệt là với di chỉ văn hóa Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ), một trong ba cái nôi cổ xưa của nền văn hóa Việt Nam.
***
Nhưng, cũng cần nhắc lại, mô hình công viên địa chất đòi hỏi những yêu cầu rất chuyên biệt về khai thác du lịch. Nhất là khi, với cụm Lý Sơn – Sa Huỳnh, diện tích của “công viên” trải rộng trên gần 4000 km2 mặt biển và đất liền – một điều gần như chưa có tiền lệ với các di sản Việt Nam. Để khai thác 87 điểm du lịch theo kế hoạch, dự kiến phải có 4 tuyến du lịch khác nhau để kết nối quần thể này.
Và trong những năm qua, nhiều chuyên gia cũng đã lưu ý tỉnh Quảng Ngãi về những vấn đề cần sớm được giải quyết trong tương lai. Chẳng hạn, đó là việc xử lý hài hòa các vấn đề về môi trường - khi rất gần “công viên” là nhà máy lọc dầu và khu công nghiệp Dung Quất. Rồi, việc gìn giữ hệ sinh thái biển đảo cũng cần được chú trọng – khi mà tình trạng người dân xúc cát trắng lên bờ (để trồng tỏi) đã hủy hoại một phần các rặng san hô tự nhiên tại Lý Sơn.
- Chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh
- 500 chuyên gia trong nước, quốc tế dự hội thảo khoa học về công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh
Đặc biệt, rất nhiều ý kiến đã chỉ rõ: để vận hành tốt một công viên địa chất toàn cầu, sự tham gia của người dân địa phương là yếu tố quan trọng hàng đầu. Và để có điều ấy, phía quản lý cần kiên nhẫn, tích cực triển khai các hoạt động giáo dục cộng đồng để nâng cao ý thức người – đồng thời xây dựng những mô hình hoạt động thật sự đem lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng bản địa.
Có nghĩa, việc xin xét tặng danh hiệu CVĐCTC chỉ là bước đầu tiên, trong một lộ trình dài. Ở lộ trình ấy, chúng ta hi vọng được thấy một hệ thống du lịch biển được vận hành khoa học và bền vững, để bổ sung cho một Quảng Ngãi vốn thiên về công nghiệp nặng như hiện tại.
Sơn Tùng