loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/6, tỉnh Quảng Ngãi cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, để công bố kết quả nghiên cứu về giá trị di sản văn hóa Sa Huỳnh và di sản địa chất trong phạm vi Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh. Hội thảo cũng nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhằm phát triển du lịch bền vững.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm phát triển du lịch bền vững, trong 2 ngày 18 và 19/6 tới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về giá trị di sản công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.
Tham dự hội thảo có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; ông Guy Martini - Tổng thư ký mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Tổng lãnh sự Nga tại Đà Nẵng; các viện khoa học của Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc; đại diện Ban quản lý các Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO cùng đông đảo các nhà chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ cho rằng, mô hình xây dựng Công viên địa chất toàn cầu mang lại cho người dân trong tỉnh cơ hội và cách tiếp cận mới về phát triển bền vững, bảo đảm công bằng giữa các thế hệ. Do đó, tỉnh đã xúc tiến kế hoạch xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh từ nhiều năm trước. Đến nay, nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, Quảng Ngãi đã cơ bản hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu; xác định các khu vực địa chất, văn hóa có giá trị, với quy mô công viên khoảng 2.000 km2 đất liền, chiếm 39% diện tích toàn tỉnh và 2.600 km2 mặt nước biển, bao gồm toàn bộ chiều dài 130 km bờ biển.
Ông Lê Viết Chữ nhấn mạnh, Quảng Ngãi cũng đã xúc tiến kế hoạch đưa vào khai thác, vận hành 4 tuyến du lịch công viên địa chất với khoảng 90 điểm địa chất có giá trị, cũng như phát triển mạng lưới đối tác trong phạm vi công viên; dần hoàn chỉnh hồ sơ và mong muốn được gia nhập vào mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO trong thời gian sớm nhất. Qua đó, nhờ sức mạnh của mạng lưới, Quảng Ngãi có thể đi nhanh và đi xa hơn.
Ông Lê Hoài Trung cho rằng, Việt Nam hiện đang có 38 danh hiệu UNESCO trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học và thông tin truyền thông. Việc phát triển, dựa trên di sản là sự phát triển bền vững trên cơ sở bảo tồn các giá trị, bản sắc và thiên nhiên. Nguồn lực từ UNESCO không bị giảm bớt theo thời gian mà còn được bồi đắp, chuyển giao cho các thế hệ sau. Hơn cả một danh hiệu, Công viên địa chất toàn cầu đang thể hiện là một mô hình phát triển toàn diện.
Quảng Ngãi đã nghiên cứu, xây dựng Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh từ năm 2015 cho thấy sự cam kết và tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan và đa dạng sinh học. Đồng hành cùng UBND tỉnh Quảng Ngãi từ những ngày đầu, Ủy ban UNESCO Việt Nam nhận thấy những nỗ lực nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế, khẳng định những giá trị địa chất, địa mạo và văn hóa độc đáo, phong phú của công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO, ngoài cụm núi lửa biển Lý Sơn – Bình Châu và vùng phụ cận được cấu tạo bởi vách địa tầng núi lửa hình thành cách đây hàng triệu năm, tạo nên sự đa dạng về di sản địa chất độc đáo, Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh còn là khu vực hòa quyện các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể từ các dòng chảy văn hóa khác nhau như: Văn hóa thời đồ đá cũ và mới, Văn hóa Sa huỳnh, Văn hóa Chăm Pa, Văn hóa Đại Việt… tạo nên những sắc màu văn hóa phong phú, đa dạng, giao thoa và tiếp biến lẫn nhau. Bên cạnh nhiều đền chùa, miếu mạo, các lễ hội thời hiện đại của cư dân Đại Việt, Lý Sơn được biết đến với hai di chỉ khảo cổ nổi tiếng là Xóm Ốc và Suối Chình, minh chứng cho sự tồn tại của cư dân Sa Huỳnh cách đây khoảng 2.500 năm, tạo nên sự tích hợp giữa di sản địa chất và di sản văn hóa dưới nước để hình thành Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.
Tại hội thảo, Quảng Ngãi đã giới thiệu tổng quan chung về Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh. Trong đó, các tham luận, tài liệu nghiên cứu được trình bày một cách khá đầy đủ về giá trị văn hóa khảo cổ Sa Huỳnh; giá trị di sản địa mạo, địa chất. Các báo cáo, tham luận được trình bày tại hội thảo cũng nêu lên những kết quả nghiên cứu mới về văn hóa Sa Huỳnh, nhận diện những giá trị di sản địa chất trên địa bàn công viên địa chất.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế từ quản lý mô hình này. Việc nhận diện đầy đủ giá trị di sản địa chất, văn hóa là bước rất quan trọng làm cơ sở cho Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản phù hợp với thực tế và các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngay sau buổi hội thảo, các đại biểu sẽ tham quan, thực địa tại một số địa điểm trong Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh.
Sỹ Thắng/TTXVN
loading...