Chờ đón thách thức từ hàng công Australia
(Thethaovanhoa.vn) - Sau trận thua Nhật Bản, HLV Trần Vân Phát đã bỏ ngỏ khả năng cất hẳn các trụ cột trên băng ghế dự bị để tập trung hoàn toàn vào trận play-off. Thực lực hiện có không cho phép Việt Nam có thể tìm kiếm dù chỉ một điểm trước Australia.
1. Những gì diễn ra trong trận gặp Nhật Bản cho thấy đội bóng của HLV Trần Vân Phát thua kém hoàn toàn so với đối thủ. Và cũng là hoang tưởng nếu ĐT Việt Nam đặt mục tiêu to tát trước Australia, nhà ĐKVĐ châu Á và ở đẳng cấp tương đương người Nhật.
Trận đấu đó, các cô gái Việt Nam đã khiến ông Phát không thể hài lòng hơn về tinh thần thi đấu không bỏ cuộc. Thậm chí, đội chủ nhà còn chơi lăn xả nhằm bảo vệ tối đa an toàn cho khung thành Kiều Trinh.
Song khác biệt đẳng cấp quá lớn chỉ giúp Việt Nam hạn chế được số bàn thua. Nếu cứ chơi với tinh thần như ở trận gặp Nhật Bản, đội bóng của HLV Trần Vân Phát có thể phải chịu thiệt thòi vì khả năng chấn thương với cầu thủ chủ nhà là rất cao. Vì quá nỗ lực, không ít cầu thủ Việt Nam đã bị đau ở trận gặp Nhật. Chưa kể vào khoảng 1/3 thời gian cuối trận đấu, nhiều cầu thủ nữ Việt Nam đã hụt hơi và chỉ muốn đi bộ trên sân.
2. Với ĐT nữ Việt Nam lúc này, được học hỏi những nền bóng đá hàng đầu thế giới là điều may mắn. Song ở hoàn cảnh cụ thể bấy giờ, mục tiêu bảo toàn lực lượng tốt nhất để hướng tới trận đấu play-off lịch sử là quan trọng hơn cả.
Ở trận gặp Nhật Bản, HLV Trần Vân Phát đã cất hẳn 2 trụ cột Lê Thị Thương và Kim Hồng ngồi ngoài để dưỡng sức. Ông Phát vẫn để nhiều cầu thủ đá chính trận gặp Jordan ra sân một phần để các học trò cọ xát, vừa có cảm giác chơi bóng.
Có không ít cầu thủ chủ nhà vẫn nỗ lực tìm lại hình ảnh bản thân như tiền đạo Minh Nguyệt. Ở giải VĐQG vừa qua, cầu thủ của Hà Nội 1 không thi đấu. Cô chỉ trở lại trong đợt tập trung ĐTQG nhưng có lẽ, việc không được thi đấu đối kháng thường xuyên đã khiến tiền đạo số một Việt Nam mất đi bản năng sát thủ.
2 trận gần nhất, ông Phát đã tin tưởng sử dụng kinh nghiệm của Minh Nguyệt, nhưng kết quả chưa thực sự ưng ý. Tương tự là cầu thủ đóng thế Nguyễn Thị Nguyệt. Hàng công của ĐT Việt Nam lúc này trông chờ hoàn toàn vào chân sút đang có phong độ cao Lê Thu Thanh Hương.
Tiền đạo của PP.Hà Nam đang có 2 bàn thắng và hiện đứng trong tốp 5 chân sút hàng đầu của giải. Với sức trẻ, thể hình lý tưởng của một cầu thủ nữ (cao 1m70), Thanh Hương có khả năng chơi đầu và chân khá toàn diện. Các đối thủ của ĐT Việt Nam hẳn sẽ đề phòng tiền đạo của chủ nhà.
3. Đối thủ của Việt Nam trong hôm nay là Australia chắc chắn khát khao một chiến thắng đậm đà hơn kết quả với Jordan lượt 2. Đội bóng đến từ xứ sở chuột túi đã đánh mất cơ hội có được chiếc vé sớm để tiến thắng vào bán kết sau khi bị cầm hòa ở trận khai màn trước Nhật Bản.
Australia dường như đang có vấn đề ở khâu dứt điểm khi các tiền đạo của họ thường xuyên phung phí cơ hội ở 2 trận vừa qua. Vấn đề lớn nhất của đội bóng do HLV Stajcic dẫn dắt lúc này có lẽ không phải là việc xếp nhất hay nhì bảng A, mà đó có thể là hiệu quả trong lối chơi.
Lật lại lịch sử tại giải đấu này gần nhất, Australia có vẻ “ngán” đụng độ Trung Quốc hơn Hàn Quốc (2 đội bóng gần như có vé vào bán kết bảng B). Lúc này, ưu thế đang nghiêng về Hàn Quốc, đội bóng đã để thua chính Australia ở vòng bảng giải năm 2010.
Ở giải năm đó, Australia chỉ chịu thua Trung Quốc với tỷ số tối thiểu cũng ở vòng bảng. Thế nên, nếu Australia kết thúc vòng bảng với vị trí nhì bảng A để gặp Hàn Quốc tại bán kết cũng không phải là điều đáng ngại với họ.
Do không được “tạo điều kiện” thuận lợi như ĐT Việt Nam (gặp Jordan ở trận ra quân và biết ngay kết quả sau một trận đấu), Myanmar và Thái Lan phải quần thảo các đối thủ mạnh trước khi đọ sức với nhau để tranh một vé đi play-off. 2 đội bóng của khu vực ĐNÁ đã toan tính rất cụ thể trong những trận đấu đã qua. Họ vẫn sử dụng đội hình tốt nhất ra sân gặp Hàn Quốc và Trung Quốc. Điều này giúp các cầu thủ có được cảm giác bóng và làm quen với điều kiện sân bãi thi đấu. Nhưng họ vẫn nhập cuộc thận trọng, kiêng dè đối thủ và tránh những va chạm có thể dẫn đến chấn thương. Myanmar lẫn Thái Lan đều bảo toàn được lực lượng tốt nhất trước cuộc đọ sức quyết định với nhau. Họ cũng không có bài miếng gì sợ đối phương bắt bài vì trước những đối thủ quá mạnh như Hàn Quốc và Trung Quốc, cả 2 chỉ chơi phòng ngự co cụm và chỉ có thủ môn của 2 đội là vất vả vì phải liên tục vào lưới nhặt bóng. Phải đợi đến trận đấu cuối cùng bảng B giữa 2 đội bóng này, ông Phát có lẽ mới nhận diện rõ hơn về ưu nhược điểm của đối thủ ở trận play-off. |
Việt Hòa
Thể thao & Văn hóa