Chính thức ban hành Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 31/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Theo đó, năm 2017 sẽ tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT).
Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn tại Hội đồng thi Trường Đại học Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Để tăng cơ hội xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành, thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức một cụm thi do sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng đến các cụm thi để phối hợp tổ chức thi.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thống nhất sử dụng phần mềm quản lý thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp; thiết lập hệ thống trao đổi thông tin về kỳ thi chính xác, cập nhật giữa trường phổ thông với sở Giáo dục và Đào tạo , giữa sở Giáo dục và Đào tạo với Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện đúng quy trình, cấu trúc, thời hạn xử lý dữ liệu và chế độ báo cáo theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bài thi tự luận được chấm theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. Bài thi tự luận được tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.
Chấm bài thi trắc nghiệm sẽ có 1 tổ xử lý bài thi tại khu vực chấm thi do Chủ tịch Hội đồng thi thành lập và chịu sự điều hành trực tiếp của Trưởng ban Chấm thi. Thành phần Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm: Tổ trưởng là lãnh đạo Ban Chấm thi; các thành viên là cán bộ và kỹ thuật viên; bộ phận giám sát gồm công an do Chủ tịch Hội đồng thi phân công và cán bộ thanh tra.
Các Phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp.
Trong quá trình chấm thi, phải bố trí bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục đến khi kết thúc chấm thi. Sau khi quét, phải tiến hành kiểm dò để đối chiếu và sửa hết các lỗi kỹ thuật (nếu có) ở quá trình quét.