'Chênh vênh' nghề dịch thuật
Sách dịch đang tràn lan trên thị trường sách và không ít lần Giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn VN đã xướng tên những cuốn sách dịch. Thế nhưng điều đáng buồn là chưa có dịch giả nào ở VN sống được bằng nghề dịch thuật.
Đảo qua thị trường sách VN, dễ dàng nhận thấy những cuốn sách dịch luôn chiếm tỉ lệ cao hơn hẳn sách nội. Trên các trang mạng bán sách online ở VN, đứng đầu các đơn đặt hàng vẫn luôn là các tác phẩm dịch. Những năm gần đây, nhiều tác phẩm ăn khách của các tác giả nổi tiếng trên thế giới như Harry Potter, Hỏa ngục... cũng sớm được chuyển ngữ sang tiếng Việt, thậm chí có thời gian phát hành, ra mắt cuốn sách tương đương với thời điểm trình làng ở nước bản địa.
Đáng mừng là trong vài năm trở lại đây đã có khá nhiều tác phẩm văn học dịch đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn VN như: Đàn hương hình, Khúc hát trái tim, Triệu phú khu ổ chuột... Đó là những tác phẩm vừa có chất lượng dịch thuật tốt vừa có nội dung mang ý nghĩa nhân văn, có giá trị, đem đến cho đời sống văn học những làn gió tươi mới...
Dù vậy, không thể phủ nhận trong lĩnh vực dịch thuật còn có nhiều tồn tại như “thảm họa dịch thuật”, “dịch loạn”... Thậm chí đã có những cuốn sách bị thu hồi vì lỗi dịch thuật như Bản đồ và vùng đất. Nhà văn Di Li bộc bạch, có những cuốn sách dịch, mới đọc qua đã biết là dịch lỗi bởi có nhiều đoạn, nhiều câu dịch tối nghĩa, người đọc không thể hiểu được ý văn.
Hơn thế, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, những lỗi dịch thuật sớm bị phát hiện và được dư luận đem ra bàn thảo thẳng thắn trên các trang mạng, diễn đàn... Nhiều dịch giả chuyển ngữ nhiều tác phẩm thành công nhưng khi chuyển ngữ tác phẩm khác, chỉ gặp đôi ba lỗi dịch thuật, ngay lập tức bị bạn đọc lên án, gán ghép cho nhiều từ ngữ không hay.
Thực tế, những lỗi dịch thuật thực sự là một tai nạn khó tránh khỏi đối với những dịch giả nhưng nói cho cùng đó chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn HN khẳng định: “Trong lĩnh vực dịch thuật văn học không thể đo đếm chuyện dịch sai, dịch đúng mà quan trọng là dịch hay, dịch dở”.
Không chỉ phải chuyển ngữ, dịch giả cũng chính là tác giả thứ hai bởi với những câu thành ngữ, tục ngữ của nước bản địa thì dịch giả phải chuyển ngữ theo những tục ngữ, thành ngữ tương đồng để phù hợp với văn hóa của người Việt. Đơn cử như dịch giả Nguyễn Xuân Hồng khi chuyển ngữ tác phẩm Hỏa ngục của nhà văn Dan Brown đã phải trích lục thêm tới hơn 60 chú thích về các địa danh, tích truyện...
PGS.TS Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn VN cho biết: “Cho đến nay tôi chưa thấy ai sống được bằng nghề dịch thuật văn học. Đa số dịch giả đeo đuổi công tác dịch thuật văn học vì niềm đam mê văn học chứ thật sự dịch giả không thể sống được bằng nghề này”.
Hơn thế, nghề dịch còn có nhiều nỗi niềm không biết tỏ cùng ai. Với những tác phẩm hay, người đọc dường như chỉ nhớ đến nhà văn sáng tác mà ít ai nhớ đến công lao của người dịch thuật nhưng hễ có sai sót hay gặp phải cuốn sách dở thì “thủ phạm” đầu tiên bị quy kết lại chính là dịch giả!? Đấy là chưa nói, sau khi chuyển ngữ, các dịch giả rất khó kiểm soát được công tác in ấn, phát hành cũng như vấn đề tác quyền liên quan. Vì thế, đa số dịch giả hiện nay đều xem công việc này như một nghề tay trái chứ tuyệt nhiên không có dịch giả chuyên nghiệp sống chết với nghề dịch thuật.
Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng chua chát: “Nghề dịch phải cẩn trọng, trau chuốt từ ngữ như một nhà văn thực thụ nhưng đa số dịch giả hiện nay đều làm công việc khác nên chỉ khi có thời gian rỗi thì dịch, hoặc làm công tác dịch thuật vào buổi đêm, ngoài giờ hành chính”. Đã từng dịch gần 60 cuốn sách, dịch giả Nguyễn Xuân Hồng cho biết hầu hết tác phẩm dịch đều là thú vui, theo đuổi niềm say mê còn thu nhập thì chẳng đáng là bao.
Trong khi đó, nhiều tác phẩm dịch công phu, đầu tư tới mấy tháng trời như tác phẩm Hỏa ngục, Nguyễn Xuân Hồng đã phải vật lộn tới 4 tháng. Đã vậy, cánh cửa gia nhập hội viên Hội Nhà văn VN dường như cũng “hẹp” hơn đối với các dịch giả. Bởi cho dù có thể dịch hàng chục cuốn sách nhưng chưa chắc đã được nhớ đến với tư cách là một dịch giả. Mà có khi chỉ một cuốn sách dịch lỗi đôi ba đoạn cũng đã bị gọi là “thảm họa dịch thuật”. Vì thế, nhiều dịch giả rất ngại làm đơn gia nhập Hội Nhà văn VN mà thực tế suốt những năm gần đây, số dịch giả gia nhập ngôi đền thiêng văn chương cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Theo Phúc Nghệ
Báo Văn hóa