Châu Âu thực hiện sứ mệnh khám phá 'vũ trụ tối'
Ngày 1/7, một vệ tinh do châu Âu phát triển đã được phóng lên không gian với sứ mệnh khám phá những hiện tượng vũ trụ bí ẩn là năng lượng tối và vật chất tối.
Đây là những lực bí ẩn mà các nhà khoa học đến nay vẫn chưa quan sát được dù nhận định tạo nên tới 95% vũ trụ được biết đến.
Vệ tinh mang theo kĩnh viễn vọng Euclid, được đặt theo tên nhà toán học Hy Lạp cổ đại, được đưa lên không gian bằng tên lửa đẩy Falcon 9 từ Trạm Vũ trụ Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ). Sau khi được đưa lên không gian, vệ tinh sẽ bắt đầu hành trình kéo dài một tháng để tới một vị trí trong quỹ đạo Mặt trời, cách Trái Đất gần 1,6 triệu km.
Từ vị trí này, Euclid sẽ bắt đầu sứ mệnh kéo dài ít nhất 6 năm nhằm khám phá sự phát triển của vũ trụ tối cũng như quan sát các thiên hà cách xa Trái Đất tới 10 tỉ năm ánh sáng. Sứ mệnh lần này cũng tập trung vào 2 yếu tố cơ bản của vũ trụ tối là vật chất tối và năng lượng tối.
Với chi phí lên tới 1,4 tỷ USD, kính viễn vọng Euclid được thiết kế và xây dựng bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), có khả năng phát hiện những kết cấu và cơ chế ẩn của vũ trụ thông qua khả năng khắc họa rõ nét vũ trụ quan sát được dưới dạng 3D.