Chào tuần mới: Tương lai nào cho môn sử?
Chúng ta bắt đầu tuần mới với một thông tin rất đáng chú ý: Theo chia sẻ từ đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, dự kiến từ năm 2025, lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Chỉ là dự kiến - và tưởng như cũng chỉ là chuyện của một môn học trên ghế nhà trường - vậy nhưng thông tin này lập tức xuất hiện với tần suất khá dày đặc trên mặt báo lẫn mạng xã hội. Cộng cùng những chia sẻ và tranh luận khá sôi nổi, nó gắn với một thực tế: Tất cả những gì liên quan tới môn lịch sử (và kiến thức lịch sử) vẫn luôn là đề tài nóng của dòng thời sự chủ lưu.
Nhìn lại hơn chục năm qua, môn lịch sử cũng chưa bao giờ có số phận yên bình trong đời sống xã hội. Thậm chí, vào tháng 11/2015, một cột mốc đáng nhớ đã diễn ra với môn học này, khi vấn đề về dạy sử được mang ra thảo luận và lấy ý kiến trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Như lời nhà sử học Dương Trung Quốc, đó là lần đầu tiên một môn học xuất hiện trong lịch sử nghị trường theo cách ấy.
Gần nhất, trong năm 2022 vừa qua, một cuộc tranh cãi gay gắt cũng diễn ra quanh kế hoạch đưa lịch sử trở thành môn học tự chọn trong chương trình mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Để rồi, sau rất nhiều phản ứng, cũng như việc "bước vào" kỳ họp Quốc hội một lần nữa, môn học lịch sử tiếp tục được duy trì bắt buộc trong 3 năm THPT của học sinh - trước khi được dự kiến trở thành một trong 4 môn bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp ở cấp học này như thông tin vừa qua.
Như thế, trái với những ý kiến bi quan, với người viết, phần đông người Việt Nam chưa bao giờ thiếu quan tâm hay chán ghét môn lịch sử. Thậm chí ngược lại, chúng ta luôn có ý thức rất đặc biệt về môn học này - khi đó không chỉ là câu chuyện trao truyền kiến thức, mà còn gắn với truyền thống, hay những gì thuộc về niềm tự hào dân tộc vốn ẩn sâu trong vô thức mỗi người.
Chuyện giới trẻ kém hiểu biết về lịch sử, cũng như việc điểm số trung bình môn sử thường xuyên "đội sổ" trong nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT, là một câu chuyện khác và gắn với nỗi lo khác. Điều ấy phụ thuộc vào những hạn chế trong giảng dạy môn lịch sử trên ghế nhà trường.
Đậm chất "báo cáo", thiên về sự kiện, con số nhàm chán và kiểm tra chủ yếu qua hình thức thuộc lòng - đó là những gì đã được nói về phương pháp dạy sử hiện nay. Phương pháp ấy từng phổ biến trong quá khứ với những đặc thù nhất định nhưng lại chưa thể sớm thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của giáo dục hiện đại. Để rồi, hình thức "khổ sai về trí nhớ" này - như cách gọi của nhiều chuyên gia - là một trong những lý do chủ yếu khiến học sinh ngại, sợ và dần xa môn học này trong sự… thực dụng tất yếu trong bối cảnh thi cử hiện nay.
Ai cũng biết, môn học này được dạy và kiểm tra theo một hình thức mới. Đó là việc khơi tư duy logic, tư duy phản biện và cả lòng tự hào từ học sinh - để rồi dần dần, lịch sử hiện hữu và lắng đọng trong tâm hồn các em một cách tự nhiên, thay vì nhồi nhét hay học thuộc lòng. Nhưng đó là một câu chuyện dài và cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có cả những điều liên quan tới triết lý cơ bản của một nền giáo dục.
Bởi thế, việc đưa lịch sử vào danh sách các môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là một tín hiệu tích cực. Nhưng sự tích cực ấy cần được hoàn thiện không chỉ trong một sớm một chiều.