Quốc hội thảo luận về việc 'tích hợp' môn Sử: Dư luận có cơ sở để thiếu tin tưởng
Quanh ý tưởng “tích hợp” môn Sử đang gây nhiều tranh cãi, ĐBQH Lê Văn Lai đã trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận với nhiều câu hỏi.
“Dư luận xôn xao, nói đúng hơn là có sự xáo trộn tận tâm can, về một vấn đề nhạy cảm: thay đổi việc giảng dạy môn Lịch sử từ môn học độc lập thành môn tích hợp. Xin Bộ trưởng nêu chính kiến của mình, nhất là tính ưu việt và tính đúng đắn của nó" - Đại biểu Lai đặt câu hỏi trong phiên chất vấn buổi sáng.
Trở lại Quốc hội sau khi vắng mặt vào buổi sáng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Sự thực, những thắc mắc từ dư luận chủ yếu tập trung vào việc “tích hợp” môn Lịch sử ở cấp Phổ thông Trung học, còn việc “tích hợp” ở chương trình giáo dục cấp 1, cấp 2 đã đạt được sự nhất trí.
“Môn lịch sử không bị coi nhẹ, mà còn được coi trọng hơn so với hiện hành. Theo ban soạn thảo chương trình báo cáo, và chúng tôi đã kiểm tra, các cháu ở PTTH đang học 1, 5 tiết sử mỗi tuần. Theo dự thảo, các cháu không học chương trình chuyên ban Khoa học Xã hội thì sẽ học bình quân 2,5 tiết/tuần, còn các cháu theo chương trình chuyên ban này thì học 4 tiết/tuần. Như vậy, nội dung và kiến thức về khối lượng lịch sử đều tăng lên” – Bộ trưởng Luận cho biết.
Về việc tích hợp, Bộ trưởng Luận giải thích: Theo Luật Giáo dục Quốc phòng đã được Quốc hội thông qua, việc giảng dạy môn học này bao gồm cả những vấn đề về lịch sử quốc phóng và giữ nước. Do vậy, “anh em dự kiến đưa vào đó để tránh trùng lặp”.
Tuy nhiên, khi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu đưa ra quan điểm chính thức của mình về vấn đề nên giảng dạy Lịch sử theo hình thức “tích hợp” hay vẫn giữ vai trò là một môn học độc lập, Bộ trưởng Luận cho biết: Ban soạn thảo và Bộ GD ĐT vẫn đang nghe ý kiến của toàn dân.
“Chúng tôi sẽ thảo luận tiếp thu, sẽ có báo cáo làm việc với Hội đồng lý luận Trung ương, Ban tuyên giáo Trung ưưng, Hội đồng quốc gia về giáo dục, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội…, sau đó sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Đây là chuyện rất hệ trọng”.
Bộ trưởng này nói thêm về quan điểm của mình: “Nếu phân tích, việc tích hợp làm nhẹ (chất lượng của môn lịch sử - TT&VH) , không thể làm tăng được thì chúng tôi không tích hợp. Còn vẫn đảm bảo, chúng tôi sẽ cho tích hợp. Đây là vấn đề cần làm việc với các chuyên gia, giáo dục và lịch sử để có kết luận cuối cùng”.
Nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Lê Văn Lai tiếp tục bày tỏ sự hoài nghi về ý tưởng “tích hợp” lịch sử khi giảng dạy.
“Bộ trưởng nói rằng việc tích hợp này sẽ làm tăng thời lượng giảng dạy môn lịch sử. Nhưng thật ra, vấn đề này chỉ là một khía cạnh, một yếu tố trong việc học sử. Còn rất nhiều yếu tố quan trọng hơn, ví dụ như những thày giáo nào có thể cùng một lúc dạy các môn theo kiểu tích hợp này? Việc chuẩn bị của Bộ diễn ra như thế nào với một lực lượng quan trọng cho môn sử như vậy”- ĐB Lai băn khoăn.” Tôi chưa nhìn thấy sự chuẩn bị một cách đầy đủ. Và, dư luận cũng như các nhà khoa học thiếu niềm tin vào việc này là có cơ sở”
Dẫn lại câu chuyện về những nhầm lẫn “cười ra nước mắt” về môn lịch sử, cũng như tình trạng có những phòng thi tốt nghiệp chỉ có… một thí sinh chọn thi môn này, ĐB Lai chia sẻ thêm: “Chúng ta đang dạy môn sử một cách bài bản, có hệ thống mà còn nhận về kết quả như thế. Chuyển qua một cách dạy mới chưa có tiền lệ, chưa có sự chuẩn bị gì về đội ngũ giảng viên, tôi rất khó tin rằng chất lượng đào tạo lịch sử sẽ được nâng cao”.
Ngoài vấn đề “tích hợp”, trong phần đặt câu hỏi vào buổi sáng, ĐB Lê Văn Lai cũng đề nghị Bộ trưởng Luận giải thích về việc thay bản dịch “Nam quốc Sơn hà” trong sách giáo khoa. Theo trả lời của Bộ trưởng Luận, thay đổi này diễn ra từ năm 2003, nên ông không có cơ hội được biết lý do.
Tuy nhiên, ĐB Lê Văn Lai đặt tiếp câu hỏi (và chờ trả lời sau): “Bộ trưởng nói là chưa xem hết. Bây giờ dư luận xã hội nêu rồi, xin Bộ trưởng cho ý kiến chính thức về câu hỏi: Tại sao phải đổi bản dịch cũ của nhà sử học Trần Trọng Kim bằng một bản dịch mà tôi và nhiều nhà khoa học, nhiều thầy cô giáo đều thấy là không đạt yêu cầu và giảm đi giá trị so với bản cũ?.”
Cúc Đường