Vinh danh “những cánh chim đầu đàn” môn Sử
(TT&VH) - Đó chính là quan điểm và cũng là đề nghị của ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội KHLS VN với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận có mặt tại buổi lễ trao giải thưởng và giấy khen cho các em đoạt giải quốc gia môn Sử 2012 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám sáng ngày 14/4.
Đây cũng là đợt ra quân đầu tiên của Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam (Hội KHLSVN) kể từ sau khi được thành lập hồi tháng 10 năm ngoái.
|
Tổng số học sinh đoạt giải môn Lịch sử trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2012 do Bộ GD&ĐT tổ chức có 211 em, trong đó có 6 giải Nhất, 31 giải Nhì, 90 giải Ba và 84 giải Khuyến khích.
Các em học sinh đoạt giải lần này đến từ 28 trường THPT trong cả nước nhưng hầu hết đều thuộc trường chuyên như Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), Trường THPT chuyên Thái Nguyên, Trường THPT chuyên Hưng Yên, Trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa)… Kể ra điều đó để thấy rằng, dường như môn sử chỉ “thịnh” trong các trường chuyên, còn với các trường THPT khác có vẻ như bình thường nếu không muốn nói là “suy” như kết quả điểm Sử kỳ thi ĐH năm vừa qua đã thể hiện.
Học sinh Lê Thiện Anh học sinh trường THPT chuyên Bến Tre đoạt giải nhất môn Lịch sử phát biểu: “Em rất buồn vì nhiều bạn học sinh chỉ xem môn Sử như là môn phụ, chỉ “lướt qua Lịch sử” như là một môn không đáng phải đầu tư bằng các môn khác. Với em, học Sử không chỉ là tìm về ký ức hào hùng của dân tộc mà còn là học làm người. Em rất mong các bạn đồng lứa, dù sau này làm gì thì cũng nên giữ niềm đam mê với Lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc…”
Khi được hỏi về “bí quyết học Sử”, Lê Thiện Anh ngắn gọn: “Em rất tâm đắc với câu nói của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Nếu không học Sử, nhất là sử nước nhà thì em không thế biết hết được “chân dung dân tộc”, không thể thấy và hiểu hết về một đất nước ngàn năm văn hiến như nước mình… Thế nên em đã học Sử!”
* Nên công bố các bài đoạt giải quốc gia môn Sử
Quỹ Phát triển Sử học VN ra đời hồi tháng 10 năm ngoái. Mục đích thành lập Quỹ này là để nâng cao ý thức và niềm tự hào của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với truyền thống lịch sử dân tộc. Quỹ sẽ trao giải thưởng và hỗ trợ những học sinh có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Sử; các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tốt nghiệp xuất sắc và các thủ khoa môn Sử. Vì thế, cuộc vinh danh các em học sinh giỏi môn Sử lần này chính là cuộc ra quân đầu tiên của Quỹ, nhằm thực hiện “cam kết” kể trên. Qua đó, dư luận kỳ vọng Quỹ sẽ góp phần chấn hưng môn Lịch sử, khuyến khích, đào tạo nhân tài sử học cho đất nước.
GS.VS.NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam cho rằng thành tích của các em học sinh mà Quỹ vinh danh lần này vô cùng có ý nghĩa khi mà môn Sử nói chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức trong hệ thống giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay.
“Việc Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam tổ chức cuộc vinh danh thành tích của các em ngày hôm nay mới chỉ nhằm động viên, khuyến khích, cổ vũ hơn nữa nỗ lực học tập của các em chứ chưa thể nói là có thể thay đổi được thực trạng giáo dục môn Sử trong nhà trường. Nhưng chúng tôi luôn tin, số học sinh này sẽ như những cánh chim đầu đàn của tất cả các học sinh khác trong học sử phổ thông” – GS Phan Huy Lê nhấn mạnh.
Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN nói: “Nhân có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ở đây, chúng tôi cũng muốn đưa ra một đề nghị là muốn tiếp xúc với bài thi của các em, để có thể gửi tới tất cả các bạn đồng lứa và mọi người. Nhưng hiện nay, mong muốn đó đang vướng phải quy chế của Bộ. Đó là đối với những bài thi thì phải niêm phong và lưu trữ. Khi mục tiêu chính cuối cùng của chúng ta là cho tất cả mọi người được biết tới thì Bộ nên hỗ trợ chúng tôi trong việc công bố bài thi của các em”.
Huy Thông