Chào tuần mới: Tính mạng con người là quan trọng nhất
(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến thời điểm này, sau mấy ngày Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019 được đưa vào cuộc sống, vẫn còn rất nhiều những vấn đề được cộng đồng bàn luận.
Từ mức phạt cao hơn hẳn những lần trước cho đến cách kiểm tra xử lý những lỗi vi phạm của các lực lượng thi hành luật cũng như chuyện cộng đồng mạng bàn nhau cách làm sao “lách luật”… Nhưng nhìn chung, việc áp dụng luật được nhiều người dân đồng tình ủng hộ khi mà đây là thời điểm cuối năm, sắp đến Tết Nguyên đán, là dịp mà nhiều người thích tụ họp nhậu nhẹt, bia rượu…
- Nâng cao ý thức người tiêu dùng về uống rượu bia có trách nhiệm
- Từ 1/1/2020, uống rượu bia lái xe bị phạt tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 năm
Trong buổi chiều đầu năm Dương lịch cuối tuần trước, khi mà toàn quốc đồng loạt ra quân tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông, mấy anh em đồng ngũ chúng tôi có đón một người anh là chỉ huy đơn vị cũ cách đây hơn 30 năm từ TP.HCM ra Hà Nội. Gặp nhau trong ngày thời tiết hửng nắng, rất phù hợp để vào một quán bình dân làm một vại bia hơi, cho nên mấy anh em chọn một địa điểm trên phố cổ ngồi hàn huyên. Cậu em có chụp tấm hình và chia sẻ trên mạng xã hội. Rất đông anh em bạn bè đọc tin đều gửi bình luận nhắc nhở, chia sẻ rằng hãy cẩn thận, Nghị định 100 không chừa một ai đâu nhé, đừng có lái xe về, gọi taxi đi cho nó an toàn… Và mấy anh em tôi cũng chủ động bảo nhau… không lái xe hay điều khiển xe máy về nhà sau khi gặp nhau.
Tôi có đọc và nhận thấy rất nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng Luật và Nghị định 100 này lẽ ra phải làm từ trước chứ không phải đợi đến bây giờ. Và mặc dù đã có rất nhiều người vi phạm bị phạt nặng như một người đàn ông điều khiển xe máy chỉ uống có 2 chén rượu bị phạt tới 7 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe (GPLX) 23 tháng, trường hợp khác một tài xế trên cao tốc Pháp Vân - Cầu giẽ cũng bị phạt tới 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng hay là người vi phạm tại TP.HCM khi bị phạt cho rằng mức phạt lần đầu như thế là quá cao, chỉ với 2-3 lon bia nhưng mất đến… 4 - 5 triệu đồng.
Có vẻ như nhiều người dân vẫn chỉ quan tâm và bức xúc vì mức phạt cao quá. Trong khi đó vấn đề cần phải nhìn nhận ở đây, đó chính là hậu quả của việc uống rượu bia rồi vẫn tham gia giao thông dẫn tới việc gây hậu quả tai nạn làm thiệt mạng người dân vô tội.
Hãy thử hình dung nếu người thân của chúng ta không may gặp tai nạn giao thông mà nguyên nhân là do tài xế say xỉn rượu bia, không kiểm soát được hành vi khi lái xe. Câu hỏi đặt ra là: Mức bồi thường bao nhiêu thì gia đình chúng ta chấp nhận? Liệu có giá nào có thể làm cho người thân của chúng ta sống lại được không? Và nếu như có so sánh, cho dù là khập khiễng thì với mức phạt như các dẫn chứng ở trên mà giảm đi được thiệt hại về người, chúng ta sẽ chọn bên nào?
Cũng cần phải nói lại rằng, Luật phòng, chống tác hại rượu bia mới này cũng như Nghị định 100/2019 không cấm chúng ta sử dụng rượu bia, Cái chính vẫn là: không sử dụng rượu bia trước và trong khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông, nếu có thì sẽ bị xử phạt. Cho nên, với những người uống được rượu bia, chắc chắn sẽ có những cách thức lựa chọn, điều chỉnh để làm sao vẫn có thể nhâm nhi một vại bia, chúc mừng nhau một ly rượu, nhưng trên hết vẫn tuân thủ pháp luật. Đó cũng chính là ý thức trách nhiệm cộng đồng mà công dân của một quốc gia văn minh cần phải có.
Tính mạng con người mới là quan trọng, mới cần chúng ta phải quan tâm chứ không phải vấn đề xử phạt nặng hay nhẹ, mức tiền phạt cao hay thấp?
Quốc Thắng