Chào tuần mới: 'Pháo đài' phòng chống dịch
(Thethaovanhoa.vn) - Diễn viên Hoàng Yến đã bị chồng cũ đấm thẳng vào mặt trong một quán hàng vào ngày 22/6 vừa qua. Cú đấm này gây ầm ĩ suốt tuần qua không chỉ vì người ta có thể xem đi xem lại nó qua một video sắc nét được camera của quán ghi lại, mà còn vì nó diễn ra ngay trước mặt con gái chung của họ.
Bạo lực gia đình và bạo lực giữa những người… từng là một gia đình luôn là một chủ đề gây bức xúc trong xã hội. Bởi thế, năm nay cùng với kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.
Nhưng thôi, ta hãy tạm gác lại câu chuyện buồn đó lại và nhìn vào các “tổ ấm” giữa đại dịch hiện nay, xem đâu là thách thức lớn nhất?
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến cho cuộc sống của các gia đình thêm một lần nữa bị xáo trộn, học sinh thì phải nghỉ học sớm ở nhà, người lớn thì bị hạn chế đi lại, thậm chí một số nơi phải nghỉ việc để phòng chống dịch... Loay hoay “tề gia” giữa đại dịch là một bài toán lớn.
Nhưng đại dịch cũng khiến cho nhiều người nhận ra được giá trị của nhau và ý nghĩa của gia đình - “nơi cố thủ cuối cùng” này.
Một đồng nghiệp trẻ tại cơ quan tôi kể, từ khi dịch bùng phát trở lại, 2 đứa con nhỏ của anh phải nghỉ ở nhà. Hàng ngày, khi bố mẹ đi làm thì các cháu ở nhà với bà nội. Cũng vì nhớ bố cho nên hôm nào cũng vậy, chúng không đi ngủ sớm mà thức đợi cho đến khi nào bố đi làm về (22h), cả 2 chạy ra ôm lấy bố một cái, xong rồi mới yên tâm lên giường ngủ.
Câu chuyện của anh khiến tôi nhớ đến hình ảnh những đứa trẻ phải nằm một mình trong những khu cách ly tập trung, nếu so sánh thì đúng là anh bạn tôi vẫn còn là may mắn. Các con anh vẫn còn được gần gũi bố mẹ hàng ngày, vẫn có được sự quan tâm từ người bà.
Không được may mắn như anh bạn đồng nghiệp, một chị nhân viên cũng trong công ty tôi vừa rồi không may đổ bệnh. Chồng và các con thì ở xa, lại đang ở địa phương phải giãn cách xã hội nên không thể lên thăm nom chị được. Mấy người bạn cùng phòng trọ đã đưa chị vào bệnh viện, sắm sửa cho một ít đồ dùng cá nhân, lại dúi cho mấy phong bì tiền. Dù vậy, khi còn lại một mình trong phòng bệnh, chị đã khóc. Khóc vì tủi thân... Và tôi tin là “trải nghiệm không mong muốn này” chắc chắn giúp chị hiểu rõ hơn giá trị của gia đình.
Nhưng cũng có rất nhiều gia đình đã sẵn sàng chấp nhận sự xa cách để người thân lên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Tôi muốn nói đến những người vợ, người mẹ trẻ sẵn sàng rời xa người thân, để lại những đứa con thơ ở nhà trong sự nhớ nhung khôn xiết để đi vào những nơi dịch bệnh bùng phát làm nhiệm vụ. Cùng với đó là những tình nguyện viên, những cán bộ thầy thuốc, y bác sĩ cũng rất vất vả, căng thẳng tại các bệnh viện điều trị, các khu cách ly tập trung... Có ai hiểu hết được những mất mát về tình cảm của họ và gia đình họ? Đấy cũng là những hy sinh cao cả, rất đáng được trân trọng.
“Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” - tôi cho rằng trong chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, thông điệp “Gia đình là pháo đài, thành viên gia đình là chiến sĩ trong phòng, chống dịch bệnh” cần phải được nêu cao. Bởi hơn hết trong lúc này, việc mỗi “tế bào” gia đình giữ được sự an toàn trong cuộc chiến chống Covid-19 chính là đóng góp một phần không nhỏ cho đại gia đình Việt Nam chiến thắng trong cuộc chiến này.
Quốc Khánh