Chào tuần mới: 'Nghiện' game, điện thoại - không chỉ con trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần trước, TAND TP Hà Nội đã đưa bị cáo Nguyễn Cảnh An (20 tuổi, ở huyện Đô Lương, Nghệ An) ra xét xử về tội "giết người" và "cướp tài sản".
Theo cáo trạng, Nguyễn Cảnh An là đối tượng không nghề nghiệp, "dạt nhà" ra thủ đô sống lang thang ở khu vực phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Bắt nguồn từ việc đối tượng An ham chơi điện tử, rồi hết tiền tiêu xài, An nảy sinh ý định đi cướp tài sản của các tài xế taxi, lấy tiền tiêu và chơi game.
Đúng là nghiện game thì gây ra nhiều tác hại và hậu quả thật khó lường. Đây cũng chính là nỗi lo không chỉ của các gia đình mà ngay cả các trường học cũng rất quan tâm…
Cuộc họp phụ huynh đầu năm học của con trai tôi - năm nay vào lớp 8 - có một số thay đổi. Khác với các năm trước, năm nay cô giáo chủ nhiệm yêu cầu gia đình học sinh phải làm một bản cam kết về việc sử dụng điện thoại di động với nội dung: sử dụng đúng lúc, đúng nơi quy định các thiết bị điện thoại thông minh, không lạm dụng chơi game online, lập các nhóm chat, nói tục chửi thề.
Chia sẻ với phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm cho rằng phải có cam kết như thế này bởi hiện tại tình hình các em chơi game quá nhiều, một số em tranh thủ cả thời gian chuyển tiết học, giờ ăn trưa để chơi. Có những em vừa hết tiết học là lôi smartphone ra hò hét theo game trên mạng.
Chơi game thì ai cũng thích, tất nhiên đối với trẻ em thì độ thích thú còn cao hơn. Nhưng đâu có phải chỉ có con trẻ thích?
Tôi nhớ thời điểm cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, khi xuất hiện máy chơi game cầm tay có tên gọi Brick game (xếp gạch), hầu hết những cửa hàng buôn bán ngoài chợ ai cũng mua một cái để chơi. Nhiều gia đình mua cho con chơi dịp nghỉ Hè. Tiếng kêu chit chit phát ra từ loa của máy là một âm thanh quen thuộc đến nỗi bọn trẻ nghe là biết ngay có người đang chơi quanh đây, thế nào cũng lân la hỏi mượn tranh thủ làm vài “level”. Các chủ cửa hàng trong lúc vắng khách, giờ nghỉ buổi trưa hay dùng cái máy này để giải trí, giết thời gian.
Giờ là thời buổi công nghệ, mọi phát minh sáng tạo đúng là đều phục vụ nhu cầu con người. Internet và điện thoại thông minh giúp cho chúng ta nguồn thông tin vô tận, những trò chơi giải trí khiến cho mọi người mê mẩn vì sự sáng tạo cũng như tính hấp dẫn của nó.
Nhưng việc chọn chơi game nào, vào lúc nào, trong bao lâu là lựa chọn của mọi người. Nếu hợp lý thì đó là giải trí, giảm stress. Còn bất hợp lý thì nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn thời gian, tiền bạc, nhiều quá thì sẽ gây “nghiện”. Trước đây thì chơi điện tử thường phải ra quán net và tốn tiền, giờ thì với chiếc điện thoại thông minh trong tay, các em có thể kết nối với nhau để chơi game thâu đêm suốt sáng, còn phụ huynh rất khó phát hiện.
***
Tôi đọc được một chia sẻ của một giáo viên chủ nhiệm lớp 11. Cô kể rằng khi đặt câu hỏi với phụ huynh: Có ai trong chúng ta nghiện điện thoại không ạ? Hầu như không có câu trả lời.
Con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ, trong chuyện chơi game và lạm dụng internet này rất cần sự thay đổi từ phía người lớn. Trong trường hợp không thực sự cần thiết nhưng người lớn vẫn ôm điện thoại, lướt “phây” suốt ngày, không ít người còn mải mê với game thì khó có thể thuyết phục được các em...
Phụ huynh nếu không làm gương cho các em thì làm sao có thể xây dựng được văn hóa sử dụng smartphone trong thời đại 4.0?
Quốc Thắng