Chào tuần mới: Không còn là những 'bốc đồng' vô hại
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về trách nhiệm của các nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo sản phẩm bỗng trở thành một phần quan trọng của dòng thời sự chủ lưu 2 tuần qua, với hàng loạt diễn biến.
Cụ thể, ngày 21/5, Cục Văn hóa cơ sở vừa có văn bản gửi tới các đơn vị liên quan với nội dung chấn chỉnh các quảng cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng.
Một ngày trước đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng ra công văn nhắc tới tình trạng một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên các trang mạng xã hội không đúng quy định, đặc biệt là ở một số mặt hàng như thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, tiền ảo.
Sự việc trực tiếp dẫn đến tình trạng này gắn với ngày 11/5 - khi hàng loạt diễn viên và người nổi tiếng cùng thông báo đang nắm giữ các đồng tiền số và quảng cáo cho một số loại "coin rác" trên trang cá nhân của mình. Để rồi, trước phản ứng gay gắt của cộng đồng, các bài quảng cáo lập tức bị gỡ bỏ.
Và, trong suốt những ngày sau đó, báo giới và mạng xã hội liên tục xới lại những lần quảng cáo thiếu chính xác - thậm chí là thiếu trung thực - của giới nghệ sĩ trong vài năm trở lại đây. Có nghĩa, câu chuyện “tiền ảo” chỉ là giọt nước tràn ly của những bức xúc mà dư luận đã từ lâu dành cho hiện tượng này.
Ở đó, không chỉ “tiền ảo”, nhiều loại mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, loại thuốc uống giảm cân hay cả... miếng dán điện thoại đã được quảng cáo theo kiểu phóng đại về chức năng và công hiệu qua lời các nghệ sĩ. Để rồi, ở không ít trường hợp, những người trót mua sản phẩm phải lên tiếng về sự khác biệt giữa thực tế sử dụng và những “lời có cánh” này.
***
Việc nghệ sĩ và người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm đã được biết tới ở Việt Nam ngay từ thời mở cửa. Đó là điều tất yếu của một nền công nghiệp văn hóa - khi mà thực tế luôn cho thấy: Sự nổi tiếng và khả năng thu hút cộng đồng của những đối tượng này luôn giúp cho các nhãn hàng của họ trở nên dễ nhớ, dễ thuộc và sớm có được sự hưởng ứng từ người tiêu dùng.
Thẳng thắn, ở giai đoạn manh nha ấy, chuyện “bóc phốt” những quảng cáo sai thực tế là điều rất hiếm gặp - khi mà những nhãn hàng tại Việt Nam chưa quá nhiều, lượng nghệ sĩ được tuyệt đại đa số người dân biết tới không quá đông, còn hình thức quảng cáo phổ biến nhất chỉ là xuất hiện trên truyền hình, truyền thanh hoặc báo giấy.
Còn bây giờ, khi đời sống tiêu dùng trong xã hội đã phát triển ở mức độ cao hơn trước rất nhiều, sự cạnh tranh của vô vàn nhãn hàng rõ ràng khốc liệt hơn trước. Và tương ứng với mức độ cạnh tranh này, sự tồn tại của cả một “rừng sao” từ công nghiệp giải trí đã cho phép các nhãn hàng thoải mái lựa chọn nhân vật để quảng cáo hơn - đặc biệt là qua mạng xã hội, nơi mà nhân vật có thể chủ động giới thiệu sản phẩm vào... bất cứ lúc nào.
Chính sự quá thuận tiện trên không gian mạng ấy đã cho phép các quảng cáo thiếu trung thực có thể nở rộ như hiện nay, cho dù sau đó, chúng có thể bị dư luận phản ứng, thậm chí là mang về những hệ quả nghiêm trọng hơn cho nghệ sĩ nếu vi phạm các quy định hiện có.
- Nghệ sĩ quảng cáo tiền ảo, sản phẩm kém chất lượng: Xin lỗi hay xử phạt?
- Thành phố Hồ Chí Minh điều tra đường dây tiền ảo đa cấp 15.000 tỷ đồng
Không phải ngẫu nhiên, phần lớn trong số những nghệ sĩ gặp “phốt” vì quảng cáo thời gian qua là các gương mặt còn khá trẻ - trong khi các nghệ sĩ có tuổi xuất hiện không nhiều. Đó không hẳn là sự khác biệt về thế hệ trong cách tiếp cận với đồng tiền, mà là câu chuyện về sự bình tĩnh, tự chủ và cẩn thận của những người trong cuộc theo độ tuổi.
Bởi, càng theo thời gian, những nghệ sĩ thành danh sẽ càng hiểu rõ: Bên cạnh năng lực cá nhân, sự tin tưởng và ủng hộ từ khán giả chính là giá trị bền vững nhất mà họ tạo dựng được để có vị trí như hiện tại.
Chủ động kiểm tra thông tin, xuất xứ, công năng của sản phẩm, thậm chí sử dụng kỹ sản phẩm một thời gian trước khi quảng cáo và không chấp nhận hình thức quá lố bịch, khoa trương - đó là những điều trước tiên mà khán giả trông đợi ở các nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo sản phẩm, thay vì những trường hợp tự nhận mắc bệnh để quảng cáo cho một loại thuốc mà ngay bản thân mình còn chưa sử dụng như dư luận đã chỉ ra. Tựu trung, đã tham gia quảng cáo bất cứ sản phẩm gì thì cũng phải tuân thủ đầy đủ Luật quảng cáo.
Có thể, trong nếp nghĩ chung của cộng đồng, nghệ sĩ vẫn luôn là những người dễ tính, thoải mái, thậm chí là bốc đồng và coi nhẹ những gì ngoài nghệ thuật. Nhưng, khi dính tới đồng tiền, chắc chắn, những bốc đồng, dễ dãi ấy sẽ không còn được bỏ qua và khiến nghệ sĩ đánh mất những giá trị quan trọng nhất của mình.
Trí Uẩn