Chào tuần mới: Đã đủ văn minh?
(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin không mấy tích cực đã xuất hiện vào cuối tuần qua: Theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số cao nhất về DCI - (chỉ số càng cao, mức độ văn minh trên không gian mạng càng thấp).
Cần nhắc lại, khảo sát này được thực hiện tại 25 quốc gia (tại Việt Nam có 500 trường hợp tham gia), và các kết quả đánh giá đều được đưa ra dựa trên cảm nhận của người được khảo sát. Bởi thế, tất yếu, sẽ có những ý kiến cho rằng: kết quả này chưa thể đủ chính xác và khoa học .
Nhưng, nếu gạt bỏ sự tự ái và hồ nghi, chúng ta vẫn phải tự trả lời một câu hỏi: cách ứng xử trên không gian mạng tại Việt Nam hiện đủ... văn minh chưa?
Cần nhắc lại, theo kết quả khảo sát do Microsoft thực hiện, 70% người được hỏi cho biết họ đã gặp phải một trong các hành xử không đúng mực trong một tháng gần đây, 97% thừa nhận họ đã bị tổn thương từ những hành xử đó trên không gian mạng và 83% lo lắng rằng sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.
Cũng từ các thống kê khi khảo sát, các hành xử không đúng mực của người Việt thường gắn với những chủ đề như quan hệ tình cảm, giới tính, ngoại hình... Và, các hành vi gây tổn thương gồm có kỳ thị phụ nữ, tổn hại uy tín nghề nghiệp, công kích vi mô tổn hại danh tiếng cá nhân, phân biệt đối xử.
Nghe có vẻ phức tạp, nhưng chung quy, sự “thiếu văn minh” ấy có thể khái quát lại ở cách hành xử gây tổn thương, thiếu tôn trọng người khác của một bộ phận trong cộng đồng.
***
Nếu liên hệ với những lùm xùm trên không gian mạng mà dư luận từng đề cập vài năm qua, có thể khẳng định: chuyện này hoàn toàn có thật.
Chưa bao giờ, trong giai đoạn hiện nay, cụm từ “cộng đồng mạng dậy sóng” lại trở nên quen thuộc với chúng ta như thế. Cho dù, lý do để “dậy sóng” nhiều khi lại thường bắt đầu từ những thông tin không chính xác, từ sự hiểu lầm hoặc định kiến của một số người.
Internet - và kèm theo đó là hệ thống mạng xã hội - mới phát triển mạnh trên thế giới chừng 2 thập kỷ. Về bản chất, đó là công cụ có nhiều tiện ích để kết nối mọi người, hình thành các nhóm và cộng đồng mạng rất đa dạng, phức tạp, mang tính xuyên quốc gia. Trong sự đa dạng về độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, trình độ, văn hóa hay sở thích ấy, rõ ràng nguy cơ xung đột về quan điểm luôn có thể bùng ra bất cứ lúc nào giữa mỗi cá nhân hay các nhóm cộng đồng.
Người Việt, về bản chất, không phải không có những đức tính tốt đẹp và nhân văn trong truyền thống. Nhưng rõ ràng, ở góc độ tôn trọng sự khác biệt và sự riêng tư, cũng như về sự điềm đạm và cẩn trọng cần có trong những cuộc tranh luận, chúng ta chưa phải là hoàn hảo. Và, từ đó, nhược điểm này được phơi bày rất rõ khi những mâu thuẫn bùng nổ trên internet.
Đã có những phân tích cho rằng nhược điểm này đến từ quán tính của đời sống nông nghiệp trong xã hội cũ - khi cộng đồng giới hạn trong mỗi cụm làng, xã nhỏ thường giao tiếp với nhau bằng sự xuề xòa, chân tình và luôn giữ mối quan tâm chặt chẽ tới từng nét nhỏ trong đời sống sinh hoạt của nhau. Và, cũng có những quan điểm cho rằng: nhược điểm ấy là điều tất yếu xảy ra trong một giai đoạn “quá độ”, khi so với quá khứ, người trẻ hiện tại có cơ hội được tiếp xúc và lĩnh hội cùng lúc nhiều nền văn hóa mới, để rồi những khác biệt giữa Đông và Tây, giữa hiện đại và truyền thống... sẽ tạo ra các đứt gãy tạm thời.
Nhưng dù với lý do gì, rõ ràng những tiện tích của công nghệ đang khiến một bộ phận trong số chúng ta trở nên dễ dãi khi bày tỏ những suy nghĩ và hành động trên mạng xã hội.
Khái niệm văn minh có thể rất phức tạp. Nhưng, nó hoàn toàn có thể được tiếp cận một cách giống nhau, với xuất phát điểm là sự tôn trọng mọi cá nhân khác trong cộng đồng. Và điều ấy chỉ có thể đến từ sự tự chủ và biết suy nghĩ của bản thân - thay vì a dua và bị cuốn theo các cảm xúc và xu hướng nhất thời, dễ dãi.
Bỏ vài giây để suy nghĩ trước khi hành xử, đó là điều không khó để tìm kiếm một sự “văn minh” hợp lý, cho cả cuộc đời thật lẫn thế giới mạng.
Sơn Tùng