Thư gửi robot Citizen: Sử dụng mạng xã hội thế nào?
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Vài tuần qua, cộng đồng mạng tại Việt Nam đang ồ ạt kêu gọi tẩy chay hai gương mặt – vốn dĩ cũng khá hot trên không gian mạng – Hiếu Orion và Khoa Pug. Tất cả bắt nguồn từ những gì được họ đưa lên internet.
Cụ thể, vlog có tiêu đề "Sự cố hy hữu ở Kyoto: Phụ nữ Nhật quỳ khóc dưới chân Khoa Pug" được Khoa Pug đưa lên, với phụ đề dẫn giải về câu chuyện một nữ phục vụ người Nhật quỳ xuống, khóc lóc xin cho đồng nghiệp của cậu ta được ăn cùng (vì đang bận quay phim).
Những người am hiểu tiếng Nhật đã chỉ rõ: đó là một câu chuyện được bóp méo để miệt thị phụ nữ - khi mà ở đất nước này, việc nhân viên quỳ xuống phục vụ để bày tỏ sự trân trọng khách là điều hết sức bình thường.
Còn Hiếu Orion “gây bão” không bằng video, mà bằng một bức ảnh. Trong đó, tiếp viên của một hãng hàng không tỏ ra khó chịu, đưa tay ra che khi bị anh chụp ảnh cùng. Bức hình ấy được ghép thêm một biểu tượng mang ý nghĩa miệt thị.
***
Trong thời đại 4.0 như hiện nay, mạng xã hội dần trở nên gần gũi và phổ biến, thậm chí đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ không chỉ Việt Nam chúng tôi mà hầu như trên toàn thế giới.
Theo một số liệu mới được đưa ra, với hơn 60 triệu người sử dụng,Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ lớn. Ở một số liệu khác, thời lượng sử dụng mạng xã hội trong một ngày của giới trẻ Việt Nam trung bình là 7 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới.
Sophia thân mến !
Tôi là người mới kết nối mạng xã hội được vài năm gần đây. Ngoài việc đọc tin, chia sẻ thông tin có ích, viết bài thì cũng thi thoảng xem các phản ứng, tranh luận của cư dân mạng về các vấn đề xã hội khác, nhất là những khi có các chủ đề thu hút nhiều người quan tâm.
Mặt mạnh của mạng xã hội thì ai cũng biết cả. Nhưng có một điều ai cũng thừa nhận, đó là việc “lướt mạng”cũng rất mất thời gian.
Trong cuộc sống đời thường, có một thứ Thượng Đế rất công bằng với tất cả mọi người, đó chính là thời gian. Chúng ta ai cũng vậy, đều có được 24h hàng ngày để làm việc, học tập và nghỉ ngơi. Nhìn tổng quát, mỗi người đều có 8h để ngủ, làm việc theo luật 8h tại cơ quan công sở. Còn lại 8h là của riêng từng người giải quyết việc cá nhân, nghỉ ngơi, thư giãn phục hồi sức khỏe.
Sử dụng thời gian của riêng mình như thế nào cho có ích là điều cần phải học hỏi và ý thức rèn luyện. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự khác biệt lớn nhất giữa người thành công và những người khác nằm ở 8h này. Có thể dành thời gian này để chăm sóc gia đình, con cái, tập luyện thể thao hoặc là đọc thêm sách báo. Cũng có thể chọn việc học thêm kiến thức nâng cao, hoặc là tham gia các khóa đào tạo về nghệ thuât chẳng hạn. Nhiều người thì dùng thời gian này tụ tập nhậu nhẹt, quán xá…Và bây giờ chúng ta có thêm lựa chọn khác khi không còn gì làm, đó là kết nối vào mạng.
Mặc dù mạng xã hội ngày nay đã trở nên phổ biến, một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại cho các bạn trẻ, thế nhưng học được gì từ các trang mạng này tùy thuộc vào mục đích và cách ứng xử của mỗi người. Nếu như không có bản lĩnh, kiến thức cũng như kỹ năng sống chưa nhiều thì ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội là khó tránh khỏi. Nếu đúng là thời gian kết nối mạng của giới trẻ chiếm đến 7h/ngày thì là điều cần phải xem xét, cân nhắc bởi nó quá lãng phí.
Và thực tế, một bộ phận giới trẻ dành quỹ thời gian cho mạng xã hội rất lớn, gây nên tình trạng “nghiện” mạng xã hội ngày càng phổ biến.Cũng vì để thu hút sự chú ý của những người “nghiện mạng xã hội”, một số người mới có thể thoải mái đưa ra những thông tin chưa có kiểm chứng cụ thể, thậm chí có những ngôn từ xúc phạm người khác.
Nhìn kỹ ra thì tôi nhận thấy rằng, mạng xã hội cũng là tổng hợp những ứng xử văn hóa đời thường, cũng có đủ “hỉ, nộ, ái, ố”. Làm gì có người “ảo”, chỉ có những suy nghĩ và hành động “ảo”, từ đó dẫn tới những giá trị “ảo”.
Bớt lãng phí thời gian, bớt chạy theo và quan tâm tới những câu chuyện vô bổ, thì tự chúng ta sẽ khiến mạng xã hội dần không còn chỗ cho những câu chuyện theo kiểu cố tình “câu view”. Và, trước bất kỳ sự việc gì, nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng, tế nhị tôn trọng người khác - bởi những gì chia sẻ trên mạng xã hội là một sự phản ảnh của con người bạn hay tính cách, lối sống của bạn. Tôi nghĩ vậy.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Xuân An