Chào tuần mới: 'Chỉ số hài lòng'
Những bất cập về nhà vệ sinh trong trường học hầu như năm nào cũng được nói đến. Thoạt nghe, cứ ngỡ vấn đề này chỉ có ở những trường vùng sâu vùng xa… Thực tế không hẳn như vậy.
Một khảo sát của Sở GD&ĐT TP.HCM tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn mới đây đã cho ra kết quả bất ngờ. “Điểm hài lòng” về khu vực vệ sinh của trường học (an toàn, sạch sẽ, có thiết bị cơ bản) có số điểm đánh giá khá ít: phụ huynh chấm 4,28 điểm/5 (thấp nhất trong các tiêu chí về cơ sở vật chất học đường), còn học sinh chấm 4,09 điểm/5 (thấp thứ 2)…
Lại nhớ, hồi giữa tháng 9 vừa qua, khi đi họp phụ huynh cho con trai tôi tại một trường THPT trên địa bàn Thủ đô, tôi và nhiều bậc phụ huynh hết sức ngạc nhiên khi mà năm học mới đã bắt đầu được hơn hai tuần, vậy mà trên lối đi ra cầu thang bộ vẫn còn cát, xi-măng, rồi cả gạch lát sàn xếp ngổn ngang. Thầy chủ nhiệm cho hay, nhà trường đang cho sửa lại khu vực toilet cho đạt tiêu chuẩn.
Như vậy là từ hôm khai giảng cho đến nay, cả lớp muốn giải quyết vấn đề “đầu ra” hàng ngày thì phải chạy xuống các tầng dưới hoặc “nhịn” về nhà “xả.
Nếu chiếu theo tiêu chuẩn trong các trường học thì cứ một chỗ tiểu nam, một xí và một chậu rửa được thiết kế cho tối đa 30 học sinh nam hoặc 20 học sinh nữ. Thực tế hiện nay, theo Bộ GD&ĐT, cả nước có khoảng 280.000 nhà vệ sinh trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Trung bình, mỗi trường học có khoảng 6,6 nhà vệ sinh. Trong đó có gần 70% nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn, khoảng 30% chưa đạt chuẩn, xuống cấp.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, theo số liệu thì số trường học có nhà vệ sinh cơ bản đạt tiêu chuẩn chiếm trên 80%, nhưng vẫn có những trường số lượng học sinh từ 1.500 - 2.000, nhưng chỉ có 6-7 nhà vệ sinh (Trung bình mỗi ca học có khoảng 200 học sinh/1 nhà vệ sinh).
Còn nhớ hồi đầu năm 2022, tại lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ có nói: "Vấn đề vệ sinh ở các trường học còn nhiều vướng mắc, bất cập. Ngay cả cách gọi nhà vệ sinh là “công trình phụ” cũng đã cho thấy nhận thức, sự quan tâm không đầy đủ tới vấn đề nhà vệ sinh trường học”.
Nhiều năm làm việc tại các công ty dịch vụ làm sạch của Nhật Bản, tôi để ý thấy muốn cho khu vực nhà vệ sinh sạch sẽ thì có hai vấn đề cần được đặc biệt chú ý, đó là sàn nhà vệ sinh tuyệt đối không được ướt hoặc có nước đọng. Và tuyệt đối không được có mùi “đặc trưng” của toilet.
- Chào tuần mới: Nào trường, nào lớp, nào sách, nào vở…
- Chào tuần mới: May rủi đầu đời
- Chào tuần mới: Cho một vòng quay mới
Để làm tốt được việc này, đối với những trường có kinh phí thì nên thuê dịch vụ duy trì bảo dưỡng thiết bị vệ sinh, thuê nhân viên quét dọn, tẩy rửa hàng ngày. Nhưng dù thế thì việc dạy các em về ý thức giữ gìn nhà vệ sinh nơi công cộng phải coi là bài học “kỹ năng sống” căn bản.
Trong trường hợp thực sự khó khăn, nhà trường cần liên kết với chính quyền địa phương vận động, kêu gọi xã hội hóa việc nâng cấp nhà vệ sinh. Một ví dụ rõ nhất là nhà vệ sinh của Trường THPT Hoàng Quốc Việt ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Khu nhà vệ sinh “5 sao” này thực sự trở thành điểm nhấn trong khuôn viên sư phạm của trường. Đại diện cha mẹ học sinh của trường cho biết công trình này được xây lại trên nền nhà vệ sinh cũ. Kinh phí gần 400 triệu đồng do phụ huynh tự nguyện đóng góp.
Tôi cho rằng trong các tiêu chí “Trường học hạnh phúc” thì nhà vệ sinh phải là ưu tiên hàng đầu, có như vậy, chúng ta mới có thể cải thiện được “chỉ số hài lòng” của các em với trường lớp.
Quốc Khánh