Chào tuần mới: Nào trường, nào lớp, nào sách, nào vở…
Một trong những nỗi lo thường niên của các bậc cha mẹ vào mỗi đầu năm học chính là học trường nào, lớp nào, học phí bao nhiêu? Riêng mỗi bộ sách giáo khoa thôi cũng biết bao câu hỏi: mua bộ sách nào, tổng bao nhiêu cuốn, giá bao nhiêu, mua ngoài hay đăng ký qua trường…?
Tuy nhiên, đối với các bậc phụ huynh ở Pháp, vấn đề trường lớp, sách giáo khoa không phải là nỗi lo của họ, thậm chí họ còn không cần biết tên các đầu sách giáo khoa.
Giống như Việt Nam, hệ thống giáo dục phổ thông ở Pháp bao gồm bốn cấp: 3 năm giáo dục mầm non, 5 năm giáo dục tiểu học, 4 năm trung học cơ sở và 3 năm trung học phổ thông. Giáo dục phổ thông bắt buộc đối và miễn học phí với trẻ từ 3 đến 16 tuổi và không có bất kỳ điều kiện nào, kể cả những đứa trẻ sống bất hợp pháp trên lãnh thổ nước Pháp. Từ 16 đến 18 tuổi, việc giáo dục không còn bắt buộc, nhưng vẫn miễn phí 100%.
Họ hoạt động như thế nào? Ngoại trừ lực lượng giáo viên là viên chức nhà nước trực thuộc bộ giáo dục và do đó họ là công chức hưởng chế độ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, còn hệ thống cơ sở vật chất phụ thuộc hoàn toàn vào địa phương.
Trường mẫu giáo và cấp tiểu học là một trong những cơ sở vật chất bắt buộc của cấp phường, xã. Bất kể diện tích và dân số của địa phương, mỗi phường, xã phải xây dựng một trường mầm non và tiểu học và vì thế không phát sinh chuyện học trái tuyến. Ngoài ra, để tránh việc học sinh ở một nơi học một nẻo, luật giáo dục cũng quy định: hộ khẩu ở đâu học ở đó. Tất cả cũng vì toàn bộ cơ sở vật chất, sách giáo khoa, điện nước và một phần tiền ăn trưa của trẻ là do ngân sách của phường, xã đảm nhiệm.
Sau cấp tiểu học, trường phổ thông cơ sở phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh, trường trung học phổ thông (bao gồm trường trung học phổ thông và trung học dạy nghề) phụ thuộc vào ngân sách của vùng. Cứ vài cụm xã, phường phải có một trường cấp 2 và cấp 3. Trẻ có hộ khẩu nằm trong những xã, phường đó buộc phải đến trường đó, nên không xảy ra chuyện chạy trường. Tùy vào số lượng học sinh của từng năm mà du di số lượng lớp, về mặt lý thuyết, mỗi lớp không quá 30 học sinh (con số 30 hiếm khi đạt, trừ thành phố lớn, hoặc cụm dân cư đông).
Cũng giống như ở cấp mầm non và tiểu học, cơ sở vật chất, sách giáo khoa, điện nước của cấp phổ thông phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách của tỉnh hoặc của vùng vì thế phụ huynh không phải đóng lệ phí xây dựng trường (điện nước, lò sưởi, xây trường, sách giáo khoa). Ngân sách xây dựng và duy trì giáo dục được trích ra từ ngân sách thuế (thuế thu nhập, thuế nhà đất, thuế công nghiệp, thuế thương mại...). Tuy nhiên, bắt đầu từ cấp phổ thông cơ sở, tiền ăn trưa tại trường hoàn toàn do phụ huynh chi trả.
- Chào tuần mới: May rủi đầu đời
- Chào tuần mới: Lựa chọn thông minh
- Chào tuần mới: Những cuốn sách cùng em 'vào Hè'
Đó chính là lý do vào mỗi đầu năm học, ngoài việc chuẩn bị tinh thần cho các con trở lại trường, các bậc phụ huynh ở Pháp cởi bỏ được rất nhiều sự căng thẳng vì ngoài tiền mua dụng cụ học tập cá nhân (bút, mực và vở viết), phụ huynh ở Pháp không có bất kể khoản đóng góp nào khác, kể cả tiền sách giáo khoa, cũng bởi sách giáo khoa là một phần của ngân sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất. Hằng năm, ngân sách sẽ trích ra một phần để mua sách thay cho số lượng sách bị rách hỏng để phát cho học sinh. Sách được phát dưới hình thức cho mượn. Trong năm học, học sinh và phụ huynh sẽ chịu trách nhiệm bảo quản sách, trong trường hợp để thất lạc sách, phụ huynh sẽ phải mua đền cho nhà trường.
Nhờ đó, sách được chuyển tay từ năm học này sang năm học khác, tránh được tình trạng lãng phí sách giáo khoa.
Để tránh hiện tượng làm hư hỏng sách, nhà trường có thể hoặc không đòi hỏi việc bọc sách. Tuy nhiên, từ một vài năm trở lại đây, việc bọc sách bằng ni lông đang dần được hạn chế nhờ ý thức bảo vệ môi trường và thay vào đó là việc giáo dục ý thức dùng sách giáo khoa một cách bền vững ngay từ đầu năm học cho trẻ.
Quyên Govoye