Cây xanh nào cho Hà Nội?
(Thethaovanhoa.vn) - Loại cây nào có thể coi là biểu tượng của Hà Nội? Và trong xu hướng “xanh hóa” thành phố, những loại cây nào nên được lựa chọn để ươm trồng?
Câu hỏi này không mới, và đã nhiều lần được xới lên quanh những vấn đề liên quan tới hệ thống cây xanh tại Thủ đô. Để rồi vừa qua, người ta lại nhắc tới nó lần nữa – khi mà gần 100 cây hoa sữa ở phường Trích Sài (quận Tây Hồ) được di dời về bãi rác Nam Sơn với lý do đơn giản: người dân địa phương không chịu nổi mùi hương quá đậm.
Nói cách khác, câu chuyện ấy cho thấy: việc lựa chọn cây xanh cho thành phố phải được xây dựng trên những tiêu chí đặc thù - thay vì sự mơ hồ cảm tính.
Như chia sẻ từ một số chuyên gia về đô thị, những tiêu chí ấy phải đảm bảo cả 2 yếu tố khoa học và nghệ thuật. Khoa học ở chỗ dựa trên đặc trưng sinh học của từng loài cây để tìm vị trí thích hợp về thổ nhưỡng; còn “nghệ thuật” vì phải phù hợp với không gian, cảnh quan, thậm chí là đặc trưng văn hóa của mỗi tuyến đường.
Thực tế, đã có lúc, sự tồn tại trong quá khứ của nhiều loại cây xanh tại Hà Nội gây ra suy nghĩ: chúng ta chỉ việc “nhân lên” những loại cây đã được chọn lựa cho thành phố trong lịch sử. Thế nhưng, ít người chú ý tới một thực tế: Hà Nội trong quá khứ vốn rất khác với Hà Nội bây giờ.
Như câu chuyện hoa sữa, các nghiên cứu cho thấy loại cây này bắt đầu trồng ở phố Quán Thánh – và sau đó là khu hồ Thiền Quang - từ đầu thế kỷ XX. Nhưng ở giai đoạn ấy, các ngôi nhà trong thành phố ít khi cao quá 2 tầng. Cây trồng thưa, lớn nhanh vượt khỏi chiều cao các ngôi nhà và tỏa hương thoang thoảng – chứ không thành nỗi ám ảnh như khi được trồng dày đặc giữa các tòa nhà cao tầng trong phố.
Rồi, xà cừ được trồng nhiều tại Hà Nội từ thời Pháp. Nhưng khi thành phố phát triển, các chuyên gia đã khuyến khích ngừng trồng loại cây có bộ rễ ngang và ăn nông này nếu thiếu không gian đủ rộng, bởi phần tán cây rất nặng có thể tạo nên tai nạn nếu đổ xuống lớp nhà sát quanh.
Rồi, dù Hà Nội đang có những cây sao đen cổ thụ rất đẹp, cao hàng chục mét, nhưng - vẫn theo các chuyện gia – việc trồng tiếp loại cây này trong những năm gần đây lại không thành công, do những biến đổi của thành phố về thổ nhưỡng, khí hậu và nguồn nước.
***
Người viết từng có lần trò chuyện với TS Đặng Văn Hà (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam), một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về cây xanh đô thị. Và như lời chia sẻ rất thật của TS Hà, sẽ là không tưởng, nếu cộng đồng nhất mực chỉ muốn chọn một vài loại cây chủ đạo và “nhân lên” khắp mọi nẻo đường, để thành phố có một bản sắc riêng.
Bởi, như đã nói, đó là một bài toán vô cùng phức tạp về địa hình, thổ nhưỡng và kiến trúc riêng của từng khối phố. Ở đó, mỗi loại cây xanh đô thị cần được nghiên cứu, lựa chọn – thậm chí là trồng thí điểm - sao cho phù hợp với một Hà Nội cũng đang phát triển với những vùng kiến trúc đa dạng của mình.
Chẳng hạn, phố cổ có vỉa hè đẹp và mật độ đông, chỉ hợp với những loại cây có đường kính tán từ 3 mét đổ lại như cọ, cau ta, tùng la hán. Phố mới có vỉa hè rộng rãi, có thể trồng cây lớn như sấu, nhội, vàng anh. Rồi, các khu chung cư lại yêu cầu loại cây riêng như xoài, lộc vừng, phượng vĩ... Cây xanh nào cho Hà Nội – đó là câu hỏi cần được trả lời bằng những nghiên cứu đủ tin cậy và khoa học.
Và, chúng ta cũng đừng quá lo lắng về câu chuyện bản sắc. Bởi, một khi Hà Nội có đủ cây xanh, sẽ đến lúc các sáng tác nghệ thuật “vào cuộc” để người ta thêm yêu quý và nâng niu những cây xanh ấy – như đã từng diễn ra trong quá khứ.
Anh Bảo