Cầu thủ Đông Nam Á không đủ trình độ chơi ở châu Âu, hay họ không muốn?
(Thethaovanhoa.vn) - Số lượng tài năng bóng đá Đông Nam Á chơi bóng ở các giải đấu lớn khắp thế giới thật sự rất rất nhỏ. Với niềm đam mê bóng đá cực lớn ở khu vực này, điều đó thật khó để chấp nhận. Nhà báo Scott McIntyre đã có những phân tích sâu sắc và đa diện về vấn đề này trên trang Four Four Two.
- ‘Vũ Văn Thanh không thể chơi tại Đông Nam Á vì… quá hay’
- Hạ màn vòng loại, Đông Nam Á góp mặt 3 đại diện tại VCK U23 châu Á 2018
- U15 Việt Nam vô địch giải đấu bị ghẻ lạnh nhất Đông Nam Á?
Ngồi xuống và nói với chính mình về mọi thứ, thực tế thật là dễ dàng. Điều khó thực hiện hơn nhiều là xem xem tại sao mọi thứ lại như hiện tại và bắt đầu thay đổi để làm tốt hơn.
Không có bất cứ cầu thủ Đông Nam Á nào từng ra nước ngoài thi đấu, chơi một mùa giải ở Đức, sau đó là một mùa giải ở Hà Lan, và trải qua một vài trận đấu cấp CLB ở châu Á. Chưa có ai từng làm vậy, nếu họ không làm được thế thì đó không phải là một thành tựu có thể tự hào.
Thành thật mà nói, điều đó rất tệ, thật sự tệ.
Châu Âu không chỉ có cầu thủ Nhật, Hàn
Để tiện so sánh, trong thập kỷ trước, Nhật Bản có gần 20 cầu thủ sang Bundesliga, Hàn Quốc thì khoảng 12. Iran cũng có vài cầu thủ đến những giải đấu chính của châu Âu thi đấu. Trung Quốc cũng tự hào vì có những cầu thủ với kinh nghiệm thi đấu ở Premier League.
Những cầu thủ Uzbekistan cũng xuất hiện ở trời Âu, rồi những người Afghanistan, Kyrgyzstan hay Tajikistan và còn nhiều hơn nữa các quốc gia ở châu Á có cầu thủ chơi bóng ở châu Âu.
Còn các cầu thủ Đông Nam Á trong cùng thời gian này thì sao? Tính tổng cộng lại chỉ có một vài người trải qua các trận đấu tại Nhật Bản, Australia và các điểm đến ngẫu nhiên khác. Nếu có ai đó nghĩ rằng điều này là đủ tốt rồi thì có lẽ họ đang đùa.
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao điều đó lại xảy ra?
Bóng đá đã xuất hiện tại Đông Nam Á được 1 thế kỷ và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Khu vực này có hơn 650 triệu người đang sinh sống và là một trong những nơi bóng đá giống như một tôn giáo.
Vì vậy, khía cạnh dân số không phải là vấn đề ảnh hưởng đến sự xuất hiện của những cầu thủ tài năng, cho đến vấn đề tài chính hay cơ sở hạ tầng cũng không thể phá vỡ việc “sản xuất” những cầu thủ chất lượng.
Điều kiện và tiền lương được cải thiện nhiều ở một số giải đấu trong khu vực như Malaysia Super League đến nỗi các cầu thủ chỉ muốn ở lại đất nước của họ mà không ra nước ngoài thử sức. Chắc chắn, vấn đề nằm ở những điều khác, quan trọng hơn, lớn hơn mới có thể khiến bóng đá Đông Nam Á khan hiếm tài năng như hiện nay.
Tâm lý ngại thay đổi, không sẵn sàng đối mặt với thử thách
Một vài chuyên gia đã cố gắng tìm những lý do tại sao chỉ có một vài cầu thủ Đông Nam Á là ngôi sao có thể ra nước ngoài? Nhìn chung, họ cho rằng niềm đam mê, khao khát được chơi bóng ở nước ngoài của các cầu thủ là chưa cao.
Ngoài ra, sự thiếu quan tâm của những tuyển trạch viên chuyên đi săn tài năng trên thế giới cũng là một nguyên nhân cần lưu tâm. Những tuyển trạch viên ấy hoặc phải chính xác định xác vị trí của cầu thủ ở khu vực này hoặc từ chối yêu cầu giải phóng hợp đồng cho những cầu thủ tốt của Đông Nam Á.
Người có thể nhìn thấy vấn đề từ sự khác nhau trong quan điểm đó là một người Lebanon – Buddy Farah. Anh trưởng thành ở Australia, một người đại diện hàng đầu, cầu nối giữa bóng đá châu Á và châu Âu.
Farah từng chơi chuyên nghiệp ở Malaysia, khoác chung màu áo với siêu sao Indonesia Bambang Pamungkas, một cầu thủ có nhiều tài năng để theo đuổi một sự nghiệp ở châu Âu.
“Tôi đã nhìn thấy những vấn đề trực tiếp ngay cả khi chơi bóng ở Lebanon. Đất nước tôi cũng có nhiều tài năng bóng đá, nhưng giống như những gì tôi chứng kiến ở Đông Nam Á, nhiều người thiếu khát khao rời khỏi đất nước, nơi họ đang được hưởng một cuộc sống thoải mái hơn”.
“Có rất nhiều cầu thủ không muốn rời đất nước mình, bởi ở đây họ là một ngôi sao. Họ có tiền và mọi thứ thật thoải mái, điều đó diễn ra ở Selangor với chính Bambang”.
“Trong một trận đấu, 80.000 cổ động viên trong sân và xem anh ấy như một vị chúa hay một nhà vua. Tôi không nghĩ tâm tính của anh ấy có thể thành công ở châu Âu, nơi có văn hóa khác biệt và nỗi sợ hãi mình sẽ thất bại là rất lớn”.
Huyền thoại Bambang Pamukas của bóng đá Indonesia từng thi đấu cho EHC Hoensbroek, một CLB ở giải hạng 3 Hà Lan. Ảnh: Four Four Two.
Kiểu suy nghĩ như trên đã từng được chia sẻ bởi HLV của Bangkok United, Alexandre Polking, một trong những HLV giỏi nhất ở Đông Nam Á.
Người đàn ông mang hai dòng máu Đức và Brazil này từng chia sẻ rằng một trong những rào cản lớn nhất đối với cầu thủ Thái Lan là việc họ phải lựa chọn rời bỏ một nơi thoải mái để đến một nơi khó khăn hơn.
“Tôi rất ngạc nhiên vì không nhiều cầu thủ Thái Lan ra nước ngoài thi đấu, đặc biệt nếu nhìn vào chất lượng của họ. Có lẽ khía cạnh này không phải tất cả vấn đề”, Polking nói.
“Nhưng khi bạn sống ở Thái Lan một thời gian, sau đó bạn sẽ hiểu lý do và câu trả lời là cuộc sống ở đây rất thoải mái. Rất nhiều người không muốn đi đâu cả và cũng chẳng muốn đấu tranh để tìm một vị trí ở ngoài biên giới Thái Lan. Họ không muốn rời bỏ gia đình mình hay những món ăn ngon lành ở đây và họ còn được trả lương rất hậu hĩnh cơ mà”.
“Chúng tôi chứng kiến khi một cầu thủ ra nước ngoài và không thích nghi được, những cầu thủ khác sẽ nghĩ họ không việc gì phải cố gắng vì cuộc sống ở Thái Lan dễ dàng hơn”.
“Tôi giới thiệu cầu thủ Đông Nam Á đến châu Âu. Họ cười tôi”
Một giả thiết khác đến từ người đã chứng kiến vấn đề này và hoàn toàn đồng ý việc nguyên nhân sâu xa nằm ở chính những cầu thủ. Cựu đội trưởng đội tuyển quốc gia và giờ là Giám đốc kỹ thuật của Hiệp hội bóng đá Philippines, ông Marlon Maro cho biết.
“Tôi nghĩ văn hóa bóng đá ở nơi nào, thời gian nào đều có sự khác nhau giữa các khu vực và quốc gia. Các CLB ở Philippines thường không quan tâm chính xác điều đó”
“Khi những cầu thủ gia nhập một cấp độ cao hơn, họ không hiểu phải làm thế nào. Vấn đề ngôn ngữ vẫn nhức nhối”.
“Quan điểm của tôi là những cầu thủ từ Philippines có kỹ thuật chưa tốt. Trong chiến thuật, chúng tôi có sự thông minh và thể chất tốt nhưng kỹ thuật thì không được vậy và đó là nhược điểm lớn”.
Farah cũng nhìn thấy sự miễn cưỡng của những người kinh doanh bóng đá khi muốn khám phá tiềm năng ở Đông Nam Á tốt hơn.
“Lý do cho rằng các cầu thủ Đông Nam Á không đủ tốt thật vô lý”, anh nói.
“Tôi đã chơi ở Đông Nam Á và phẩm chất kỹ thuật của con người nơi đây rất tốt, nhưng sự thật là những CLB ở châu Âu không nhìn thấy điều ấy”.
“Nếu tôi mang những cầu thủ từ Đông Nam Á đến các CLB châu Âu, họ sẽ cười tôi. Dù có nhiều cầu thủ tài năng nhưng thật khó để những CLB đó trao cơ hội cho những cầu thủ từ Malaysia, Thái Lan hay Campuchia bởi vì vấn đề visa vẫn cần phải xem xét”.
“Vì vậy, đây thật sự là sự kết hợp của những lý do khác nhau khiến chúng tôi hiếm khi thấy những cầu thủ chịu xê dịch”.
Hiếu Lương (Dịch)