Cầu Long Biên và giấc mơ 'nghỉ hưu'
Thông tin và những hình ảnh về lỗ thủng “người chui lọt” trên cầu Long Biên liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội và mặt báo trong tuần qua.
Cụ thể, vào cuối tháng 5, người đi đường phát hiện phần mặt đường dành cho xe máy trên cầu bị vỡ nát, để lại một lỗ thủng rộng khoảng 1m2, cho phép... nhìn rõ mặt nước sông Hồng phía dưới. Trước khi “vá” lại, cơ quan chức năng xác định: một xe ba gác chở nặng đi qua đúng vị trí thanh thép đỡ mặt đường bị yếu, mục nên làm gãy và gây ra lỗ thủng này...
Đáng nói, chỉ vài tuần trước đó, (đầu tháng 5), một lỗ thủng tương tự cũng xuất hiện tại phần dành cho người đi bộ trên cầu - và tất nhiên, cũng được vá.
Cảnh “vá đâu thủng đó” ấy không khiến người ta ngạc nhiên, khi năm 2022 này cũng là thời điểm đánh dấu cây cầu sắt đầu tiên bắc qua sông Hồng tròn 120 tuổi, kể từ khi được khánh thành vào ngày 28/2/1902. Trong suốt hơn một thế kỷ ấy, cầu Long Biên vẫn đều đặn “cõng” những lượt người, xe - và đặc biệt là những chuyến tàu hỏa - qua lại hai bờ Đông, Tây mỗi ngày.
Chưa kể, sau khi bị đánh sập trong chiến tranh vào năm 1972, 6/19 nhịp cầu cũ đã được cải tạo bằng hệ thống dầm quân dụng và vẫn duy trì tình trạng này cho đến hiện tại. Cộng cùng sự xuống cấp han gỉ theo thời gian của những kết cấu thép, sự hạn chế về kinh phí và điều kiện duy tu, bảo dưỡng cầu cũng là lý do khiến Long Biên bây giờ như tấm áo cũ, sờn vá không đếm xuể.
***
Thực ra, sự quan tâm của người dân Hà Nội với Long Biên không chỉ là nỗi lo lắng về tai nạn tiềm ẩn từ những lỗ thủng đang nối nhau xuất hiện. Xa hơn, đó là sự tiếc nuối và lo lắng cho số phận của một cây cầu đã trở thành biểu tượng của Hà Nội và gắn với ký ức của cả một cộng đồng.
Sự tiếc nuối và trân trọng ấy giống như một dòng chảy ngầm và từng được xới lên vào năm 2014, khi ý tưởng dỡ bỏ hoặc di dời cầu Long Biên để xây dựng một cây cầu mới (nhằm phục vụ tuyến đường sắt mới theo quy hoạch) đã nhận về những phản ứng rất gay gắt của dư luận. Để rồi, sau rất nhiều hội thảo và góp ý, quan điểm chung được đưa ra: Cây cầu sắt mới song song với Long Biên cần sớm được xây dựng. Khi đó, được giải phóng khỏi chức năng giao thông, cầu Long Biên và không gian gắn kèm nó sẽ là nơi đi bộ và thiết lập những giá trị văn hóa - di sản nhằm phục vụ cộng đồng.
- 120 năm cầu Long Biên: Biểu tượng văn hóa, lịch sử của Hà Nội
- Góc nhìn 365: Khi cầu Long Biên 'thay áo mới'
- Cầu Long Biên trước kế hoạch phục hồi
Chỉ có điều, 8 năm qua, cây cầu Long Biên “mới” vẫn chưa thể hình thành, còn cầu Long Biên “cũ” vẫn tiếp tục oằn mình gánh chức năng giao thông của một Hà Nội đang tăng vọt về dân số và giao thông đô thị. Có nghĩa, “cụ” cầu 120 tuổi ấy vẫn chưa thể nghỉ hưu để chuyển sang sự nhàn tảng, thong dong gắn với các chức năng đi bộ, vãn cảnh đã được hoạch định cho mình.
Quá nhiều ý tưởng đẹp đang chờ cầu Long Biên trong tương lai: Tổ chức một “phố đi bộ” đặc biệt suốt 2.300m chiều dài hiện có; thiết lập một không gian sáng tạo với những quán cà phê và mô hình tàu hỏa trên cầu; kết nối với không gian xanh ở bãi giữa và một khu chợ du lịch được thiết lập ở chợ đầu mối Long Biên hiện tại… Có điều, tất cả những ý tưởng ấy chỉ có thể được thực hiện trọn vẹn, khi cầu Long Biên được nghỉ hưu và trao lại chức năng gánh vác giao thông cho một cây cầu mới cạnh mình.
Những đợt sửa chữa và bảo dưỡng sắp tới, nếu có, cũng chỉ là giải pháp trước mắt, để chúng ta có thêm hi vọng và cả… sự kiên nhẫn, trong việc đợi chờ tương lai ấy.
Trí Uẩn