Cảnh giác với hỏa hoạn khi bước vào mùa khô
Từ Tết Nguyên đán 2024 đến nay, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy ở khu dân cư, nhà riêng lẻ, nhà xưởng, nhà kho và mới đây là tại các ki ốt tại chợ truyền thống… gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Ủy ban nhân dân Thành phố đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức về việc tăng cường phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ.
Khống chế kịp thời nhiều vụ cháy
Gần 10 ngày qua, nhiều người dân trong và ngoài khu vực vẫn xót xa khi nhắc tới vụ cháy nhà nghiêm trọng trong hẻm 948 (đường Lê Đức Thọ, Phường 15, quận Gò Vấp), khiến một bé trai bị tử vong vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 19/2.
Một nhân chứng cho biết, bé trai mắc bệnh tự kỷ, cầu thang ở nhà có nhiều thùng xốp nên khi xảy ra cháy, ngọn lửa bùng phát mạnh, bao trùm cả căn nhà. Nhiều người đã dùng bình chữa cháy mini dập lửa nhưng không thể tiếp cận để cứu nạn nhân. Thời điểm cháy, bé trai ở nhà một mình, cha mẹ bé trai vừa ra khỏi nhà được 5 phút.
Tương tự, rạng sáng 30 Tết, căn nhà nằm trong hẻm sâu trên đường Chương Dương (phường Linh Chiểu, thành phố Thủ Đức) xảy ra hỏa hoạn làm một người tử vong. Nạn nhân là người đàn ông 60 tuổi, bị bệnh và không thể tự đi lại.
Gần đây, vụ cháy xảy ra lúc 3 giờ 48 phút ngày 17/2 tại căn nhà nằm trong hẻm 623 Cách Mạng Tháng Tám (Phường 15, Quận 10) đã lấy đi sinh mạng 4 người đang sinh sống ở tầng trên của căn nhà.
Ngoài những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người, địa bàn Thành phố những ngày gần đây xảy ra không ít vụ cháy thiêu hủy nhiều tài sản của các hộ kinh doanh. Ngay trong sáng 28/2, một vụ cháy xảy ra tại chợ Hiệp Tân, quận Tân Phú, khiến 3 ki ốt và một căn nhà kinh doanh bị hư hỏng nặng.
Trước đó, khoảng 20 giờ 45 phút ngày 27/2, hỏa hoạn bùng lên tại tầng trệt của cửa hàng kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ ở số 36 Cộng Hòa, Phường 4, quận Tân Bình. Phát hiện cháy, nhiều người dân địa phương đã báo lực lượng chức năng và tìm cách dập lửa nhưng không thành vì cửa cuốn đang khóa. Ngọn lửa từ cửa hàng bán đồ gỗ bùng cháy lan sang nhà bên cạnh cũng chuyên bán đồ gỗ nằm cạnh cầu vượt Lăng Cha Cả. Vụ cháy làm khói tỏa ra mù mịt, một phần Phường 4 mất điện và giao thông qua lại khu vực này ùn ứ gần 3 km.
Đặc biệt, vào 12 giờ ngày 25/2, một vụ cháy từ việc đốt rác tại khu đất trống trên đường Phạm Thị Giây (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) khiến ngọn lửa lan vào nhà dân. Do thời tiết hanh khô, đám cháy lan nhanh vào dãy nhà tại hẻm 301 - 302 trên cùng tuyến đường, khiến người dân hốt hoảng di dời tài sản.
Trước đó, tối 24/2, ba nhà xưởng sản xuất gỗ, nhựa và nón bảo hiểm nằm liền kề trên đường Nguyễn Văn Trà (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) bất ngờ bốc cháy dữ dội, khiến người dân xung quanh phải di chuyển ra bãi đất trống để tránh bị ngạt. Hỏa hoạn làm mái tôn các nhà xưởng bị đổ sập, nhiều tài sản bên trong bị thiêu rụi, hư hỏng.
Tại quận Bình Tân, kho chứa vải rộng hơn 500m2 nằm trong hẻm trên đường Liên khu 4 - 5 (phường Bình Hưng Hòa B) bất ngờ cháy vào tối 23/2. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm nhiều tài sản bên trong bị hư hỏng, thiêu rụi. Sau gần 1 giờ, người dân xung quanh cùng lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã nỗ lực khống chế hoàn toàn được ngọn lửa...
Đề cao cảnh giác khi vào mùa khô
Trước tình hình các vụ hỏa hoạn tăng cao, gây thiệt hại lớn, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Thành phố khuyến nghị, người dân cần cảnh giác phòng ngừa cháy nổ, nhất là khi bước vào mùa khô, nắng nóng, thiết bị điện được sử dụng tăng nên rất dễ xảy ra cháy, nổ, nhất là tại các khu dân cư tập trung đông người.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh cần quan tâm, tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người lao động chấp hành nghiêm nội quy, quy định phòng cháy, chữa cháy; tăng cường kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy, nổ. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh cần sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa dễ cháy cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; đảm bảo các điều kiện để lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả; tổ chức các ca trực trong quá trình sản xuất và ngoài giờ hành chính để kịp thời phát hiện, dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Đối với hộ gia đình, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến nghị người dân cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị sử dụng điện, bếp đun… để kịp thời khắc phục những nguy cơ gây cháy; tắt nguồn lửa và ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; lưu ý khi thắp hương, đốt vàng mã; trang bị phương tiện cảnh báo cháy sớm, bình chữa cháy xách tay và hướng dẫn cách sử dụng cho thành viên trong gia đình…
Trước khi đi ngủ hoặc rời khỏi nhà, người dân cần kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết; hạn chế sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp để ốp trần, tường, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan; không để hàng hóa dễ cháy gần nơi đun nấu, không dự trữ xăng dầu, khí đốt… ở trong nhà. Đặc biệt, gia đình có trẻ nhỏ, người tàn tật, người bệnh tâm thần thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp; quản lý chặt ngọn lửa trần (bếp gas, bật lửa, diêm quẹt..) và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên; không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can, chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi có cháy xảy ra….