Cảnh báo nguy cơ trẻ em có thể nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó, mèo
Thời gian gần đây, Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình đã tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi bị phát ban, sẩn dị ứng trên da, ngứa nhiều.
Sau thăm khám và làm xét nghiệm, các bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo.
Theo các bác sĩ, bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do loài giun đũa chó hoặc giun đũa mèo gây nên. Bệnh gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào và biểu hiện lâm sàng từ thể ấu trùng di chuyển trong da đến thể nặng ở cơ quan như phổi, mắt, gan và hệ thần kinh.
Nguồn bệnh chú yếu là chó, mèo nhiễm giun Toxocara, đặc biệt chó con là ổ chứa nguy cơ cao nhất cho người. Ngoài ra, gà, vịt, trâu bò, cừu, thỏ... cũng có thể mang nguồn bệnh nhưng tỷ lệ thấp hơn.
Phương thức lây truyền: Người ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo. Người ăn phủ tạng hay thịt sống của một số động vật chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ. Bệnh không lây từ người sang người.
Triệu chứng lâm sàng: Ngứa, nổi mẩn; Đau đầu, rối loạn giấc ngủ; Ho, đau bụng, rối loạn hành vi; Giảm thị lực; U hạt, mất thị lực hoàn toàn; Viêm nội nhãn, tổn thương võng mạc, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào; Đau bụng, nôn, tiêu chảy, tức ngực, hen.
Một số cách phòng bệnh phổ biến:
- Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo.
- Không nên cho trẻ ôm hôn chó mèo, nên vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ.
- Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh trẻ.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với vật nuôi trong nhà, trước khi ăn, đảm bảo ăn chín uống sôi.