Cần tiếp tục bảo tồn các cổng của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19/8, Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ cho biết Trung tâm sẽ có đề xuất kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục tạo nguồn kinh phí thực hiện việc bảo tồn ở các cổng phía Tây, phía Bắc, phía Đông của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, đồng thời làm mái che (vọng lâu), trám, vá các mạch hở nhằm chống thấm triệt để từ trên mái cổng Nam Thành nhà Hồ.
Đề xuất này dựa theo những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được sau khi thực hiện dự án “Tu sửa cấp thiết mái vòm và bảo tồn cổng thành phía Nam, Di sản Thành Nhà Hồ”.
Được biết, toàn bộ tường thành và bốn cổng chính của Thành nhà Hồ được xây dựng theo kiến trúc hình vòm với những phiến đá xanh, đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các phiến đá có chiều dài trung bình 1,5m, dày 1m, nặng từ 15 đến 20 tấn. Các cổng được gọi tên theo bốn hướng chính: cổng Nam, cổng Bắc, cổng Đông, cổng Tây (hay còn gọi là: Tiền, Hậu, Tả, Hữu). Trải qua thời gian hơn 600 năm, dưới tác động của thiên nhiên, con người, các cổng thành đều đã bị mất phần kiến trúc vọng lâu, bên cạnh đó tình trạng sụt vỡ các khối đá tạo vòm cũng đã xảy ra trong nhiều năm nay. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng và có nguy cơ khiến viên đá bị tụt khỏi vòm cuốn, ảnh hưởng kết cấu vòm, gây nguy hại đến kiến trúc, nguy hiểm cho khách tham quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, thẩm mỹ của di tích.
Mái vòm cũng như cổng thành phía Nam sau 8 tháng tiến hành tu sửa (từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019) đã chính thức hoàn thành và đạt được đúng mục đích đề ra. Viên đá sụt vỡ ở mái vòm đã được cố định về vị trí cũ, nguy cơ rơi vỡ được loại bỏ. Toàn bộ cổng phía Nam của Thành nhà Hồ được làm sạch và loại bỏ được các tác nhân gây hại như rêu, tảo, địa y, muối. Đá cổng Nam được hoàn trả giá trị cổ kính với màu sắc, vân đá phong phú. Trong quá trình tu sửa các chuyên gia đã phát hiện ra các vết đục, khắc trên đá và lộ rõ được kỹ thuật vá đá tinh xảo thời Hồ, đá xếp vòm cuốn được chế tác hình múi bưởi nhằm chèn chặt, chống sụt cho vòm thành, đặc biệt đã áp dụng phương pháp xây khô.
Qua đó thấy được giá trị độc đáo và nổi trội của Thành Nhà Hồ mà ít nơi nào có được. Việc trùng tu tôn tạo giúp cho di tích thêm bền vững, đồng thời giúp bảo lưu giá trị nguyên gốc của di sản. Dự án “Tu sửa cấp thiết mái vòm và bảo tồn cổng thành phía Nam, Di sản Thành Nhà Hồ” được Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ và sự tư vấn, hướng dẫn của các chuyên gia trong nước, quốc tế.
Phạm Huy