CẬN CẢNH: Tái hiện nghi lễ dựng nêu tại Đại Nội Huế
Ngày 11/2 (nhằm ngày 23/12 Âm lịch), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức tái hiện nghi lễ dựng nêu (tức lễ Thướng tiêu) trong Hoàng cung - Đại Nội Huế.
Lễ dựng cây nêu tại Đại Nội Huế được tiến hành từ trục Hiển Nhơn đến Thế Miếu, bao gồm 2 phần chính: rước nêu và dựng nêu. Năm nay, lễ hạ nêu được chọn là ngày 25/2 (tức ngày 7/1 Âm lịch) năm Ất Mùi.
Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, phong tục dựng cây nêu ngày Tết đã dần mất đi trong cộng đồng người Việt thời hiện đại và được thay thế bằng việc chơi hoa đào, hoa mai, hoa cúc. Cây nêu chỉ còn bắt gặp tại một số ít vùng quê, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Dựng nêu ngày Tết bao gồm trong đó cả dụng ý để trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, trừ những điều xấu của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới an lành. Việc khôi phục lễ dựng nêu ngày Tết trong Hoàng cung xưa góp phần vào việc bảo tồn, phát huy và làm phong phú thêm giá trị văn hóa phi vật thể của hệ thống di tích Cố đô Huế.
Dưới thời Nguyễn, tục dựng nêu được tổ chức bài bản, thường vào ngày 23/12 Âm lịch, trùng với ngày Tết ông Công, ông Táo như là một dấu mốc cho sự ngừng nghỉ các công việc trong năm. Nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước điện Thái Hoà và các miếu trong Đại Nội. Lễ dựng nêu trang nghiêm và phải là viên quan hàm Tam phẩm trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ. Đặc biệt, cây tre dựng nêu là loại tre đực, cao, to và khoẻ; trên ngọn nêu treo ấn tín, bút lông, đoản kiếm... nên phải cử lính canh cho đến ngày khai hạ.
Ngày dựng nêu lên, triều đình thường cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình đều được nghỉ ngơi sau một năm lao động nhọc nhằn để vui Tết, chơi Xuân. Vì thế, lễ dựng nêu ngày Tết tại Đại Nội Huế là nghi lễ truyền thống tốt đẹp trong tâm thức của người Việt nói chung và trong văn hóa Huế nói riêng.
Quốc Việt