Các ca nhiễm HIV mới chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn
Tại buổi gặp mặt báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS diễn ra ngày 18/11 do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%), đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).
Nguyên nhân chủ yếu vẫn là nam quan hệ đồng giới (MSM) và có dấu hiệu tăng ở nhóm nghiện hút ma tuý tại khu vực miền núi phía Bắc.
Dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhóm MSM liên tục chiếm tỉ lệ cao trong số mới phát hiện hằng năm (trên 40%) và là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam.
Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn - nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học, số lượng người di cư nhiều nên dễ xảy ra các hành vi nguy cơ làm lây nhiễm HIV.
Đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 70% số người nhiễm HIV mới phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2024.
"Tuy nhiên trong những năm gần đây, các số liệu cảnh báo dịch cho thấy các khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên đang tiềm ẩn các nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm HIV", Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin.
So sánh phân bố số người nhiễm HIV mới phát hiện theo nhóm đối tượng, Thạc sĩ Bùi Hoàng Đức, Phó trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) ở đã đưa ra các con số ở các nhóm tương ứng của năm 2023 và năm 2024: Nhóm MSM là 40,5% và 39,7%; nhóm người có quan hệ tình dục với người HIV: 21,6% và 22,2%; nhóm nghiện chích ma túy: 6,3% và 6,8%.
Trong số nhiễm HIV mới ở một số địa phương có tỉ lệ tăng ở nhóm nghiện chích ma túy như Điện Biên, Hà Nam, Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Nam.
Theo ông Raman Hailevich, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) Việt Nam, số ca nhiễm HIV tại Việt Nam đã giảm rất khả quan. Theo ước tính của UNAIDS, số nhiễm mới HIV đã giảm khoảng 60% kể từ năm 2010. Mức giảm này không những vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn cao hơn nhiều so với mức giảm 39% của thế giới.
Thành tựu này cho thấy tác động tích cực của việc đầu tư cả cho dự phòng và điều HIV của Việt Nam trong tiếp nhận và triển khai những sáng kiến mới như trong xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, mở rộng liệu pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone và đẩy mạnh chiến lược không phát hiện = không lây truyền trong điều trị HIV.
Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15 - 29 (40%) và 30 - 39 (27,3%), đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).
Cũng theo Giám đốc Quốc gia UNAIDS Việt Nam, với việc khoảng 1/3 số nhiễm HIV mới ở Việt Nam là người trẻ trong độ tuổi 15-24, sự thiếu hiểu biết về HIV, sự kỳ thị, phân biệt với HIV vẫn đang tiếp tục cản trở việc tiếp cận các dịch vụ.
"Đây không chỉ là khó khăn, thách thức của Việt Nam. Do đó, chúng ta cần tiếp tục chung tay nỗ lực trên tất cả các mặt trận ứng phó với HIV, đặc biệt ứng phó với phân biệt kỳ thị, đối xử, để bảo đảm quyền về sức khỏe cho những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV", ông Raman Hailevich nhấn mạnh.
Năm 2024, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là: "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS – Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030".
Tại buổi gặp mặt, các chuyên gia cũng cập nhật tình hình dịch HIV/AIDS và các kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2024; phổ biến những điểm mới tại Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); những tiến bộ trong điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV (PrEF) trên thế giới.