Cà phê đầu tuần: ĐT nữ Việt Nam và thông điệp từ thất bại
Ursula Burns là con của một bà mẹ đơn thân trong một con phố tồi tàn ở New York vào những năm 1960 và 1970. Xuất phát điểm của cô thật sự đáng lo ngại: Cô là người da màu, là con gái và lại còn nghèo. Xem như không có hy vọng gì.
1. Mẹ cô đã làm mọi thứ để nuôi cô và các anh chị em lớn lên, cắt giảm mọi chi phí, làm thêm rất nhiều việc, nhưng đấy không phải là thứ tốt nhất bà làm cho cô. Điều ý nghĩa nhất bà mang đến cho các con mình là luôn nhắc nhở chúng rằng nơi chúng ở đây sẽ không phải thứ mãi mãi tồn tại trong đời chúng. Chúng luôn có lựa chọn để làm tốt hơn. Tốt nhất so với những gì chúng có.
Ursula đã làm mọi thứ để vươn lên trong một xã hội mà khoảng cách giàu nghèo là rất xa. Cô học tập chăm chỉ, đỗ vào trường kỹ thuật Brook Polytechnic, một ngôi trường khá tốt và có nhiều học sinh da trắng theo học. Cô tốt nghiệp, rồi làm việc tốt đến mức trở thành CEO của tập đoàn công nghệ Xeros, và vực nó lên từ tình trạng suy thoái nặng.
Cô cũng là người đứng đầu Liên minh Giáo dục STEM dưới thời Tổng thống Barack Obama, trở thành thành viên của Hội đồng quản trị của nhiều công ty hàng đầu thế giới, bao gồm Exxon Mobil, Uber và VEON, công ty viễn thông nằm trong Top 10 hành tinh.
Được truyền cảm hứng bởi những lời khôn ngoan của mẹ mình, Burns đã phát triển sớm trong cuộc đời thứ các nhà tâm lý học gọi là "tâm thế phát triển", là niềm tin rằng một người có thể tạo ra những ảnh hưởng nhất định lên chính cuộc đời mình.
Bạn có thể liên tưởng đến một phiên bản tương tự chủ nghĩa khắc kỷ: Bạn không kiểm soát được nơi sinh ra, giới tính, màu da, hoàn cảnh. Tất cả những điều này là rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời bạn.
Nhưng tư duy phát triển cho chúng ta một lối thoát, trao cho bạn trách nhiệm để cải thiện các tình huống của mình. Ursula đã vượt qua được xuất thân của cô, nhờ suy nghĩ đúng mà bà mẹ đã gieo vào đầu cô từ bé, rằng chúng ta đều có lựa chọn để làm tốt hơn.
2. Sự có mặt của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup lần này là một phép màu thực sự. Bạn hãy điểm lại chút "xuất thân" của những cầu thủ này: Họ đến từ một nền bóng đá vùng trũng, với giải VĐQG chỉ có 7 đội tham gia, và các tuyển thủ nếu không có những chiến thắng từ những giải lớn, thì hưởng lương chỉ vài triệu một tháng. Từ khi thành lập vào năm 1997, đội tuyển quốc gia nữ Việt Nam đã phải đối mặt với việc các cầu thủ phải làm nhiều công việc để trang trải.
Rất nhiều trong số họ thực ra cũng không thể giao phó cuộc đời mình hết cho bóng đá, yếu tố cơ bản để xác định được xem họ có phải cầu thủ chuyên nghiệp hay không. Tiền vệ Nguyễn Thị Thùy Dung mở một nhà hàng ở Hà Nam. Tiền đạo Phạm Hải Yến và tiền vệ Nguyễn Thị Bích Thủy bán quần áo và mỹ phẩm trực tuyến. Ngay cả siêu sao tiền đạo đội trưởng Huỳnh Như, cầu thủ duy nhất trong đội đã ra nước ngoài chơi bóng, cũng kinh doanh… dừa ở quê nhà Trà Vinh.
Đối thủ của họ là đội tuyển nữ số một thế giới, đến từ một nền bóng đá đã bán được bản quyền hàng triệu đô, với hai ngôi sao nằm trong Top 5 cầu thủ nữ giàu nhất hành tinh, là Alex Morgan và Megan Rapinoe. Bốn năm trước, Mỹ cũng đã đánh bại Thái Lan đến 13-0, trận đấu có tỷ số cách biệt cao nhất trong lịch sử giải đấu.
Sáng hôm kia, nếu có xem trận đấu và biết các thông tin kể trên, bạn hẳn phải rất ngạc nhiên, thậm chí không hiểu nổi vì sao hai đội này có thể gặp nhau, chứ chưa nói đến chuyện chúng ta chỉ thua ba bàn, và về cơ bản đã chơi tốt so với năng lực của mình.
3. Nhưng họ đã ở đó, chiến đấu và vượt qua chính mình, như Ursula. Những cầu thủ này không chỉ vượt qua cuộc sống khó khăn của một vận động viên, mà còn phải vượt qua định kiến mỗi ngày vì là một người phụ nữ đá bóng và trải qua một cuộc sống bất thường so với phụ nữ Việt Nam nói chung. Rất nhiều người trong chúng ta cần trận đấu sáng hôm kia, và các cầu thủ nữ có lẽ cũng không biết được ảnh hưởng họ tạo ra có ý nghĩa đến thế nào. Thông điệp của trận đấu không nằm ở kết quả, mà ở toàn bộ chặng đường đã đưa họ đến đây và chơi bóng như chưa từng được chơi: Chúng ta luôn có những lựa chọn khác tốt hơn, bất kể xuất phát điểm như thế nào.