Ca khúc 'You Don't Have To Say You Love Me': Chẳng cần nói lời yêu khi tình đã hết
(Thethaovanhoa.vn) - You Don't Have To Say You Love Me do Dusty Springfield thể hiện là một bản “hit” hồi năm 1966 đồng thời là đĩa đơn thành công nhất của giọng ca nữ người Anh này. Bài hát này từng chiếm quán quân bảng xếp hạng đĩa đơn ở Anh và chiếm vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Song để có được sản phẩm thu âm “để đời” đó, Springfield đã phải thu âm tới 47 lần.
Phiên bản gốc của You Don't Have To Say You Love Me là ca khúc Italy Io Che Non Vivo (Senza Te) do Pino Donaggio và Vito Pallavicini sáng tác. Ca khúc này đã được Pino Donaggio giới thiệu tại Liên hoan Âm nhạc Sanremo thứ 15 và đã lọt vào vòng chung kết với bản thu âm của Donaggio, từng chiếm quán quân bảng xếp hạng ở Italy hồi tháng 3/1965.
Gắn liền với tên tuổi của Dusty Springfield
Io Che Non Vivo (Senza Te) sau đó đã được chọn làm nhạc nền phim Vaghe Stelle Dell'Orsa của Luchino Visconti, trong đó vai chính do Claudia Cardinale đảm nhiệm. Phim Vaghe Stelle Dell'Orsa đã đoạt giải Sư tử Vàng tại LHP Venice vào tháng 9/1965.
Springfield đã tham gia Liên hoan Âm nhạc San Remo năm 1965 và bà là khán giả khi nghe Donaggio và Miller trình diễn Io Che Non Vivo (Senza Te). Dù không hiểu ý nghĩa phần ca từ trong bài hát nhưng khi nghe ca khúc này Springfield đã khóc.
- Siêu phẩm 'Kill This Love' của Blackpink lọt Top ca khúc hay nhất năm 2019
- ‘Lover’ của Taylor Swift lập kỷ lục mới ở Trung Quốc
Ngay sau đó, Springfield đã có trong tay một bản thu âm của Donaggio nhưng phải 1 năm sau bà mới bắt đầu tiến hành thu âm ca khúc với phần ca từ tiếng Anh sau khi bà đề nghị bạn của mình là Vicki Wickham, người sản xuất chương trình truyền hình Anh Ready Steady Go, biên soạn phần ca từ tiếng Anh của nhạc phẩm này. Với sự hỗ trợ của Simon Napier-Bell, nhà quản lý của Yardbirds, bà đã có được lời bài hát tiếng Anh.
Nhưng cả Wickham và Napier-Bell đều không có trải nghiệm là nhạc sĩ. Theo Napier-Bell, ông và Wickham đang ăn tối khi Springfield đề cập với ông rằng bà hy vọng sẽ có được lời bài hát tiếng Anh cho bài hát của Donaggio và 2 người đã nhẹ nhàng chấp nhận thử thách viết lời bài hát.
Trong cuốn sách 1000 UK #1 Hits (1.000 bài hát chiếm quán quân của Anh) của Jon Kutner và Spencer Leigh trích lời của Simon Napier-Bell rằng: “Tôi và Vicki đã ăn cùng nhau và cô ấy nói với tôi rằng Dusty muốn có phần ca từ tiếng Anh của bài hát này. Chúng tôi đã quay lại căn hộ của Wickham và bắt đầu làm việc. Chúng tôi muốn đến một sàn nhảy disco nên chúng tôi có khoảng một giờ để viết nó. Chúng tôi đã viết đoạn điệp khúc và sau đó chúng tôi viết ca từ trên một chiếc taxi”.
Có điều, cả Wickham và Napier-Bell đều không hiểu lời bài hát gốc của Italy. Theo Wickham, họ đã cố gắng viết lời bài hát theo cách của riêng mình cho một bài hát “anti-love” (không yêu) mang tựa đề I Don't Love You, nhưng khi ý tưởng ban đầu đó tỏ ra không hiệu quả nó được điều chỉnh thành You Don't Love Me và cuối cùng là You Don't Have To Say You Love Me (Anh không cần phải nói yêu em) để phù hợp với giai điệu của bài hát.
Sau đó, Napier-Bell đã đặt tựa đề này cho cuốn sách đầu tiên của mình, cuốn tự truyện về nền âm nhạc Anh những năm 1960.
“Đó là phần lời ca khúc pop đầu tiên tôi viết, mặc dù tôi luôn thích thơ và văn chương. Chúng tôi không hề có ý tưởng gì cho phần ca từ tiếng Anh nhưng nhận thấy sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu như soạn một phần ca từ hoàn toàn mới, không liên quan đến phần lời của ca khúc gốc” - Napier-Bell kể lại.
Với Springfield, nữ ca sĩ không đọc “nghiền ngẫm” lời bài hát của các bản “hit” trước đây của mình, như Wishin’ And Hopin’ và I Only Want To Be With You, bởi bà hát từ góc độ của một người phụ nữ có lẽ hơi “lụy” người đàn ông của mình. Với You Don't Have To Say You Love Me cũng vậy nhưng nó đã tác động mạnh tới Springfield khiến bà đã khóc khi lần đầu nghe.
Ngày 9/3/1966, Springfield bắt đầu tiến hành thu âm ca khúc này tại Philips Studio Marble Arch. Phần thu âm này có sự tham gia của nghệ sĩ guitar Big Jim Sullivan và tay trống Bobby Graham.
Ngày hôm sau đó, Springfield đã thu âm giọng hát của mình. Không hài lòng với âm thanh trong phòng thu, cuối cùng cô chuyển đến một cầu thang để thu âm và nữ ca sĩ chỉ hài lòng với giọng hát của mình sau khi thu âm 47 lần.
Được phát hành vào ngày 25/3/1966 tại Anh, You Don't Have To Say You Love Me đã trở thành ca khúc ăn khách và vẫn là một trong những bài hát gắn liền với tên tuổi Springfiled nhất. Khi Springfield qua đời vì bệnh ung thư vú vào tháng 3/1999, You Don't Have To Say You Love Me đã được giới thiệu trên Now 42 như một sự tưởng nhớ tới giọng ca “vàng” của nước Anh.
You Don't Have To Say You Love Me nổi tiếng ở Mỹ đến mức album Ev'rything's Coming Up Dusty (1965) của Springfield đã được hãng thu âm Philips Records tái phát hành vào năm 1966 và đổi tên album thành You Don't Have To Say You Love Me. Hồi năm 2004, You Don't Have To Say You Love Me đã được tạp chí Rolling Stone đưa vào danh sách 500 Greatest Songs of All Time (500 Ca khúc ăn khách nhất mọi thời).
Phiên bản của Elvis Presley
Giống như nhiều nghệ sĩ khác, Vua rock Elvis Presley rất yêu thích You Don't Have To Say You Love Me và ngày 6/6/1970, ông đã thu âm phiên bản của mình ở Nashville và đưa vào album That's The Way It Is.
Ngày 4/6/1970, Elvis bắt đầu 5 ngày thu âm tại Studio B của RCA ở Nashville, tiến hành thu âm vào 6h tối và làm việc cho đến tận bình minh. Đây là ca khúc thứ 3 trong 7 ca khúc được thu âm đêm đó.
Nhà sản xuất Felton Jarvis cảm thấy lần thu thứ 2 của ca khúc này đã ổn nhưng Elvis lại khăng khăng lần thu thứ 3 đồng thời là cuối cùng mới đủ tiêu chuẩn.
Sau khi được tung ra thị trường vào tháng 10/1970, You Don't Have To Say You Love Me lại mang về thành công nữa cho Vua rock, chiếm vị trí #11 trong bảng xếp hạng Billboard Hot 100, chiếm quán quân bảng xếp hạng Billboard Easy Listening.
Đĩa đơn này đã đạt danh hiệu Vàng và là bản “hit” của Vua rock cả ở Australia (#7) và Canada (#6), đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng Anh và #17 ở Ireland.
Các nghệ sĩ từng “cover” và gặt hái thành công với You Don't Have To Say You Love Me có Guys 'n' Dolls (No. 5/1976) và Denise Welch (No. 23/1995). Phiên bản của Red Hurley còn lọt vào Top Ten ở Ireland (No. 5/1978).
Vài nét về Dusty Springfiled Mary Isobel Catherine Bernadette O'Brien (1939-1999), nổi tiếng với nghệ danh Dusty Springfield, là ca sĩ nhạc pop và nhà sản xuất thu âm người Anh với sự nghiệp kéo dài từ cuối những năm 1950 đến những năm 1990. Với chất giọng mezzo-soprano đặc biệt của mình, Springfiled là một ca sĩ quan trọng của dòng nhạc soul và là một trong những nữ nghệ sĩ người Anh thành công nhất, với 6 đĩa đơn lọt Top 20 trên Billboard Hot 100 và có 16 đĩa đơn lọt bảng xếp hạng của Anh từ năm 1963 đến năm 1989. Springfiled đã được ghi tên vào Sảnh Danh tiếng Rock & Roll và Sảnh Danh tiếng Âm nhạc Vương quốc Anh. Trong nhiều cuộc thăm dò quốc tế, Springfiled đã được bình chọn là một trong những nữ nghệ sĩ rock xuất chúng nhất mọi thời. Trong số những ca khúc ăn khách của Springfield phải kể đến Wishin' And Hopin' (1964), I Just Don't Know What To Do With Myself (1964), You Don't Have To Say You Love Me (1966) và Son Of A Preacher Man (1968). Năm 1987, Springfield trở lại bảng xếp hạng với ca khúc What Have I Done To Deserve This? song ca cùng giọng ca chính của ban nhạc Pet Shop Boys. Ca khúc này đã chiếm vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng ở Anh và cả Mỹ. Hồi tháng 1/1994, khi đang thu âm album A Very Fine Love ở Nashville, bang Tennessee (Mỹ), Springfield đã cảm thấy mệt. Khi trở về Anh vài tháng sau đó, các bác sĩ đã chẩn đoán Springfield bị ung thư vú. Bà đã tiến hành hóa trị, xạ trị và tuyên bố sức khỏe đã ổn định. Năm 1995, Springfield đã bắt đầu quảng bá album A Very Fine Love được phát hành năm đó. Nhưng thật buồn, giữa năm 1996, căn bệnh ung thư tái phát, dù được điều trị tích cực nhưng Springfield không chiến thắng được bệnh tật, bà qua đời ở Henley-on-Thames, Oxfordshire vào ngày 2/3/1999. Ca khúc phòng thu cuối cùng của Springfield là Someone To Watch Over Me do George & Ira Gershwin sáng tác, được thu âm ở London năm 1995. Springfield có màn trình diễn sống cuối cùng là khi trình bày ca khúc The Christmas cùng Michael Ball hồi tháng 12/1995. |
Việt Lâm (tổng hợp)