Ca khúc 'Big Yellow Taxi' của Joni Mitchell: 'Không biết mình có gì cho tới khi mất nó'
(Thethaovanhoa.vn) - Một ca khúc ra đời từ cách đây 40 năm (1970), nhưng giai điệu đẹp và ca từ sâu sắc của nó lại ngày một thống thiết theo thời gian. Nó là thông điệp về môi trường đã quen thuộc từ thời cha ông ta, và tới nay - với ít nhất 456 nghệ sĩ ghi âm lại, theo trang điện tử của Joni Mitchell - Big Yellow Taxi một lần nữa nhắc nhở thế hệ trẻ về gánh nặng mà mẹ thiên nhiên đang phải chịu đựng.
Thế giới trong những năm cuối thập niên 1960, đầu thâp niên 1970 bắt đầu thức tỉnh về vấn đề môi trường. Âm nhạc - phần nào phản ánh thời cuộc - cũng mạnh mẽ lên tiếng với loạt ca khúc đi vào lịch sử như Mercy, Mercy Me của Marin Gaye, Apeman của The Kinks, After The Gold Rush của Neil Young hay Where Do the Children Play? của Cat Steven.
Khi xã hội nhận thức về ô nhiễm môi trường
Trong tất cả, tác phẩm được tái tạo nhiều nhất, và do đó, để lại dấu ấn lớn ở nhiều thế hệ, hẳn phải là Big Yellow Taxi của Joni Mitchell. Không chỉ được rất đông đảo nghệ sĩ khác thu lại - trong đó có Bob Dylan, Amy Grant, Maire Brennan - kể từ năm 1990, ca khúc được thu âm lại gần như mỗi năm. Bản thân Mitchell từng thu âm nó tới ba lần và lần thứ hai, phiên bản hát sống năm 1974 còn thành công hơn cả bản gốc.
Có nhiều lý do cho sự giận dữ của công chúng về vấn đề môi trường tại thời điểm đó. Vụ tràn dầu ở Santa Barbara, California năm 1969 được coi là một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ. Nó đã khiến ba triệu gallon dầu loang dài bờ biển Thái Bình Dương, sinh ra các phong trào môi trường thời hiện đại.
Năm này cũng chứng kiến cảnh dòng sông bị ô nhiễm nặng Cuyahoga ở Ohio bốc cháy với lửa cao tới năm tầng nhà khi dầu và chất thải hóa học bị bắt lửa từ một đoàn tàu đi ngang qua. Quốc hội Mỹ đã phải ra Đạo luật về chính sách môi trường quốc gia vào chính năm 1970 này.
Năm 1970, Mitchell mới 27 tuổi, vẫn còn là một cô gái trẻ nhưng là một cô gái trẻ từng trải và đã ghi đậm dấu ấn của mình trong giới nhạc như là một giọng ca trầm khàn đầy biểu cảm cũng như một nhạc sĩ đầy tính triết lý. Nhiều ca khúc của cô sinh ra từ một khoảnh khắc ám ảnh hiện sinh. Big Yellow Taxi nằm trong số này.
“Tôi viết Big Yellow Taxi trong chuyến đi đầu tiên tới Hawaii. Tôi bắt taxi tới khách sạn và khi thức dậy vào sáng hôm sau, tôi kéo rèm cửa và nhìn những ngọn núi xanh tuyệt đẹp ở đằng xa. Rồi, tôi nhìn xuống và thấy một bãi đỗ xe trải dài ngút tầm mắt. Nó khiến trái tim tôi tan vỡ. Sự tàn phá trên thiên đường. Đó là khi tôi ngồi xuống và bắt đầu viết ca khúc” - Mitchell chia sẻ trong buổi phỏng vấn năm 1996 với Los Angeles Times.
Biến bãi đỗ xe thành công viên
Mitchell đã mở đầu Big Yellow Taxi bằng chính hình ảnh thô lỗ với thiên nhiên: “Họ mở lối vào thiên đường rồi dựng lên đó một bãi đỗ xe”. Sau khoảnh khắc thức tỉnh đầu tiên này, Mitchell như người lần đầu thấy thế giới ở một kính lọc khác, bỗng thấy ở đây là “Với một khách sạn hồng, một cửa hàng và tụ điểm nhảy nhót”, ám chỉ khách sạn Royal Hawaiian ở Honolulu, thủ phủ của Hawaii.
Và xa hơn, ngay kia là bảo tàng vườn thực vật Foster, nơi “Họ lấy hết cây/ Đưa chúng vào bảo tàng cây/ Rồi họ tính phí mỗi người một đô la rưỡi để xem chúng”. Bảo tàng này là nơi sinh sống của nhiều giống cây quý hiếm ở Hawaii với nhiệm vụ lên kế hoạch, phát triển, quản lý, duy trì và nghiên cứ bộ sưu tập cây trồng nhiệt đới trong môi trường thẩm mỹ để bảo tồn, tôn vinh nghệ thuật trồng cây, giáo dục và tiêu khiển. Dù chỉ cho mọi người về hệ thực vật tự nhiên ở Hawaii là điều cần thiết, nhưng vẫn thật xấu hổ khi họ để chúng trong “bảo tàng cây” thay vì để chúng trở lại môi trường tự nhiên.
Miên man trong dòng ý thức, Mitchell đi tới với vấn đề cấp bách của nước Mỹ: DDT, một loại thuốc trừ sâu được dùng rộng rãi tại xứ cờ hoa khi đó. “Này những người nông dân, vứt bỏ DDT ngay đi/ Cứ phần tôi những quả táo có đốm nhưng hãy để lũ chim và ong được yên. Làm ơn!” - Mitchell cầu xin. Sau khi phát hiện nhiều loại chim, bao gồm cả chim ưng và đại bàng, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi DDT, đông đảo các nhà môi trường học cũng như người dân đã kêu gọi ngừng dùng chất này. Năm 1972, chính phủ Mỹ đã phải có lệnh cấm dùng DDT.
Tất cả những nỗi niềm trên đều đi kèm với một triết lý được lặp đi lặp lại trong điệp khúc: “Chẳng phải mọi chuyện vẫn luôn như vậy/ Rằng bạn không biết mình có gì cho tới khi mất nó”. Cuối cùng, Mitchell thu mình lại với nỗi niềm riêng tư: “Khuya hôm qua tôi nghe thấy tiếng cửa lưới đóng sầm lại/ Một chiếc taxi lớn màu vàng đã mang người đàn ông của tôi đi”. Đoạn cuối này, tuy chẳng có liên quan gì tới môi trường, nhưng đã để lại dư vị đắng cay nhớ mãi trong lòng người nghe.
Giai điệu của Big Yellow Taxi cũng đặc biệt thiên tài! Nó không hề ảm đạm khiến người nghe muốn chuyển bài ngay mà ngược lại, vô cùng vui nhộn trong tiếng đàn guitar acoustic tưng tưng còn giọng của Mitchell, ôi mới hào hứng, khi trầm khi bổng và thậm chí còn khúc khích cười ở cuối.
Âm nhạc, dù gì vẫn là vấn đề giai điệu. Ai muốn nghe một ca khúc về môi trường với giai điệu “đưa đám” chán ngắt? Hẳn không ít người đã nghe Big Yellow Taxi vì sự bắt tai của nó rồi mới để ý tới ca từ. Thời nào cũng vậy, người ta luôn cần một chút tinh quái để đưa những vấn đề hàn lâm tới gần với công chúng.
Những lời khen có thể là võ đoán nhưng thực tế đã chứng minh sức mạnh của Big Yellow Taxi.
“Khi ca khúc lần đầu xuất hiện, nó là một đòn giáng vào Hawaii bởi mọi người ở đây bỗng nhận ra thiên đường của họ đang bị nhai nát… Đó là một ca khúc nhỏ, mạnh mẽ vì đã có một số trường hợp các thành phố phá bãi đỗ xe và chuyển thành công viên nhờ nó” - Mitchell hồi tưởng.
Hơn thế, theo thời gian, Big Yellow Taxi dần trở thành giai điệu ươm mầm tinh thần bảo vệ môi trường, là một phần không thể thiếu của văn hóa quần chúng.
Rất nhiều bản cover ca khúc đã được thực hiện, theo những xu hướng khác nhau của thời đại. Bob Dylan đã ghi dấu ấn riêng cho mình khi đổi lời thành: “Một chiếc xe ủi màu vàng đã mang đi nhà cửa và điền sản”. Pinhead Gunpowder thì chuyển nó thành giai điệu punk nhanh vào năm 1992. Phiên bản rock của Big Country năm 1992 lại mang phong cách miền Đông với violin và bộ gõ. Amy Grant đổi “một đô la rưỡi” thành “25 đô la” theo trượt giá. Counting Crows biến nó thành hit quốc tế một lần nữa khi ghi âm lại vào năm 2002 và ghi lại một lần nữa cho nhạc phim năm 2006 Two Weeks.
Tất cả mang tới sức sống bền bỉ cho Big Yellow Taxi, để nó tiếp tục được cất lên trong các chương trình về môi trường. Với những biến đổi nghiêm trọng trên thế giới hiện nay, ca khúc hẳn sẽ còn tiếp tục vang lên trong các chiến dịch của giới trẻ thế hệ Greta Thunberg và hơn thế.
9 giải Grammy Joni Mitchell tên đầy đủ là Roberta Joan “Joni” Mitchell, sinh ngày 7/11/1943 tại Fort Macleod (Alberta, Canada). Năm lên 9, trong một trận dịch, Mitchell bị mắc bệnh bại liệt và phải nằm viện nhiều tuần. Chính ở lứa tuổi còn rất nhỏ này, bà đã định hình đam mê, phong cách và có thể là cả chất giọng của mình. Sau khi ra viện, bà đã cân nhắc tới nghiệp cầm ca. Cũng ở tuổi này, bà bắt đầu hút thuốc, dù phủ nhận thuốc tạo nên chất giọng khàn tuyệt đẹp của mình. Bệnh bại liệt cũng khiến tay trái của bà bị yếu đi, dẫn tới việc bà phải nghĩ ra những điều chỉnh thay thế, từ đó tạo ra những hợp âm và cấu trúc phi chuẩn trong sáng tác của mình. Tính tới nay, bà đã ra mắt 19 album phòng thu, 2 album sống, 9 album tổng hợp và 33 đĩa đơn, đạt nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý, trong đó có 9 giải Grammy. Các sáng tác của bà giàu tính triết lý với chủ đề từ các vấn đề xã hội tới những vụn vỡ cá nhân. Rolling Stone gọi bà là “một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất” còn AllMusic ca ngợi: “Khi những xao động qua đi hết, Joni Mitchell sẽ vẫn đứng vững với tư cách nữ nghệ sĩ thu âm quan trọng và có ảnh hưởng nhất cuối thế kỷ 20”. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)