'Bước chân nhỏ' của Quang Hải
Nhìn những bước chân đầu tiên của Quang Hải trong màu áo Pau FC, chợt thấy không có hình ảnh nào phù hợp hơn với câu chuyện “đôi giày nhỏ của bóng đá Nhật Bản”. Hai câu chuyện, có cùng một ý nghĩa: Tôi có khả năng làm những điều lớn hơn, nhưng hãy cho tôi thời gian.
1. Nguyễn Quang Hải chỉ đá trận đầu tiên trong màu áo Pau FC tại Ligue 2 chừng 30 phút, và xuất phát từ ghế dự bị, nhưng lại được một số tờ báo Pháp chấm điểm cao nhất. Công bằng mà nói, 30 phút trên sân không đủ để đưa ra bất kỳ kết luận gì về cơ hội ra sân đá chính ở trận sau của Quang Hải. Về cơ bản, trận thua của Pau FC không có gì bất ngờ, nó chỉ xác nhận lại một chi tiết: Pau FC là một đội bóng khiêm tốn ở Ligue 2.
Câu chuyện của Quang Hải hay nhất không phải là số điểm hiệu suất thi đấu được chấm cao, mà là 30 phút anh chơi bóng một cách chính thức tại Ligue 1. Dù không dài, nhưng 30 phút đó có giá trị hơn tổng số thời gian mà Văn Hậu hay Công Phượng qua châu Âu ngồi dự bị. Dù chúng ta không quan trọng việc chấm điểm, thì vẫn nhớ rằng, 30 phút đó của Quang Hải được đánh giá tốt về chuyên môn.
Nó cho chúng ta thấy một khả năng: Cầu thủ Việt Nam đủ sức chơi bóng ở môi trường chuyên nghiệp nhất. Chúng ta từng ngờ vực điều này sau các chuyến xuất ngoại của Đoàn Văn Hậu, Công Phượng hay Tuấn Anh, Xuân Trường hay thậm chí là Lê Công Vinh, Lê Huỳnh Đức trước đây. Thậm chí còn tin rằng, cầu thủ Việt Nam không thể xuất ngoại.
Nhưng những “bước chân nhỏ” của Quang Hải thật sự rất lớn, rất ý nghĩa về khía cạnh tinh thần. Đó là một lời giải đáp cho câu hỏi rất lớn suốt gần 20 năm qua, kể từ lần xuất ngoại đầu tiên của Lê Huỳnh Đức sang Trung Quốc năm 2001.
Rõ ràng, việc Lê Công Vinh sang đá rồi ghi bàn ở Bồ Đào Nha hồi năm 2010 không phải là sự may mắn, tình cờ nào cả. Cầu thủ chúng ta có thể hòa nhập được với bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu, mọi thứ vẫn chẳng dễ dàng gì, nhưng chắc chắn rằng việc sang châu Âu không còn là cuộc phiêu lưu. Có thể so sánh với chuyện dự World Cup của bóng đá Việt Nam: Khó đấy, nhưng không phải là không thể.
2. Hãy khoan bàn đến chuyện Hải sẽ tỏa sáng hay có thể chơi hay hơn, điều quan trọng là “tấm áo” Ligue 2 không quá rộng so với một cầu thủ Việt Nam. Hoặc nói theo một cách khác, là V-League đã và sẽ “chật chội” cho một số tài năng của bóng đá Việt Nam nếu như họ muốn phát triển tài năng của mình. Cần phải tạo thêm điều kiện cho họ.
Đó chính là điều để những nhà quản lý bóng đá Việt Nam phải suy nghĩ. Hãy nhớ lại câu chuyện về “đôi giày nhỏ” của người Nhật gần nữa thế kỷ trước. Nếu muốn phát triển, thì phải nghĩ đến việc biến một đội “giày nhỏ” trở thành “giày lớn”.
Một đội tuyển quốc gia đang có mặt trong nhóm 16 đội bóng mạnh nhất châu lục, thì các cầu thủ giỏi nhất của đội bóng đó sẽ không thể cứ quẩn quanh chơi tại một giải vô địch quốc gia đang nằm ngoài Top 50 của thế giới. Nếu chưa thể làm cho V-League trở thành một giải đấu chất lượng cao, thì phải nghĩ đến việc đưa nhiều hơn các tài năng trẻ ra nước ngoài thi đấu, nhất là trong bối cảnh cầu thủ của chúng ta có đủ khả năng để chơi bóng ở nước ngoài.
Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, người đại diện của Quang Hải có nói rằng ông tiếc cho Đoàn Văn Hậu khi không thể ở lại Hà Lan thêm một thời gian do các ràng buộc với đơn vị chủ quản trong nước. Độ tuổi của Hậu nằm trong chiến lược đầu tư của các CLB lớn ở châu Âu và vì là một cầu thủ đến từ Đông Nam Á nên Hậu cần có thêm thời gian để khẳng định bản thân.
Trong trường hợp không thành công, thì Hậu vẫn có thể về nước thi đấu mà không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp do vẫn còn trẻ. Nói cách khác, cầu thủ Việt Nam xuất ngoại càng sớm càng tốt. Lấy trường hợp của Quang Hải, ngay khi mới 18 tuổi, anh đã chứng tỏ được tài năng của mình.
20 tuổi đã là trụ cột ở đội tuyển quốc gia vậy nhưng đến 25 tuổi mới sang “thử việc” ở châu Âu. Kể cả khi Hải có thể thành công ngay ở Pau FC trong mùa đầu tiên, thì cũng phải mất 3-4 năm nữa mới vươn đến cơ hội chơi bóng ở Ligue 1, khi đó cũng đã gần 30 tuổi, đâu còn có thể trở thành mục tiêu chuyển nhượng tại châu Âu.
Trong khi đó, các hợp đồng đào tạo ở Việt Nam lại thường phải hết tuổi 23 mới cho cầu thủ ra đi tự do, trong khi cầu thủ của chúng ta chưa đủ xuất sắc đến mức các CLB nước ngoài bỏ tiền đền bù hợp đồng, đó là chưa nói đến ý thức về việc ra nước ngoài thi đấu vẫn còn rất mờ nhạt tại Việt Nam.
3. Trở lại với chuyện của Quang Hải. Cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn là dù có được thuận lợi ban đầu, nhưng vẫn còn đó những giới hạn. Pau FC rõ ràng là đội bóng có trình độ không cao ở Ligue 2, vậy nhưng Quang Hải cũng chưa thể có được suất đá chính ngay lập tức.
Đây là vấn đề về giới hạn của cầu thủ Việt Nam. Chúng ta có thể chơi bóng tại châu Âu, nhưng đừng vội lạc quan về triển vọng ấy một cách vội vã. “Có thể” là một chuyện, chơi tốt là một chuyện khác. Như trường hợp của thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm, có thể đủ trình độ sang J-League thi đấu nhưng vẫn chỉ là số 2 tại Cerezo Osaka.
Trong khả năng của mình, Quang Hải đã đặt được một “bước chân nhỏ” cho bóng đá Việt Nam. Nhưng cần phải nhớ Quang Hải là kiểu ngôi sao “trăm năm có một” của chúng ta. Không phải ai cũng đủ tự tin vào năng lực của mình như Quang Hải, và thế hệ của Hải cũng đã là tốt nhất từ trước đến nay của bóng đá Việt Nam.
Nếu đã xem trận đấu của Paul FC và Guingamp, cũng dễ nhận ra rằng Quang Hải không phải là cầu thủ quá nổi trội của trận đấu. Dù có được chấm điểm cao nhất trong 30 phút cuối đi nữa, thì Hải cũng không thể tốt hơn nhiều cầu thủ tại Pau, chưa nói đến việc so sánh với đội chiến thắng là Guingamp.
Lạc quan, trân trọng 30 phút đầu tiên của Quang Hải, nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế về trình độ giữa cầu thủ Việt Nam và thế giới. Không nhận ra được điều đó, thì chẳng bao giờ có những chiến lược phát triển con người tốt hơn trong tương lai.
Bài học về đôi giày nhỏ của bóng đá Nhật Bản vẫn còn nguyên giá trị: Nhìn ra các giới hạn của mình đã khó, phá bỏ và vượt qua nó còn khó hơn. Đó không phải là chuyện của Quang Hải. Với anh, chúng ta chỉ cần chúc Hải tiếp tục có niềm vui chơi bóng và giữ vững khao khát của mình tại Pau.
Quang Việt