Đối thủ của đội tuyển Việt Nam: Saudi Arabia tìm lại giấc mơ USA 1994
(Thethaovanhoa.vn) - Trong ký ức của những CĐV lứa tuổi 7X, 8X trở về trước, hình ảnh của bóng đá Saudi Arabia thường được gắn với siêu phẩm kiểu Maradona mà danh thủ Saaed Al Owairan ghi vào lưới tuyển Bỉ ở USA 1994.
Với nhiều người Saudi Arabia, đó mới là bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử World Cup, chứ không phải pha solo huyền thoại của Maradona vào lưới tuyển Anh. Siêu phẩm của Owairan chỉ ít được chú ý hơn bởi nó diễn ra ở vòng bảng, chứ không phải tại vòng tứ kết như trận Argentina – Anh ở Mexico 1986.
Quá khứ hào hùng
Mặc dù thống trị châu Á ở cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 khi vô địch Asian Cup 1984, 1988, và về nhì năm 1992, và thậm chí còn giành ngôi á quân Confederations Cup 1992, nhưng phải đến năm 1994, Saudi Arabia mới lần đầu tiên giành quyền tham dự một VCK World Cup.
Đó cũng là giải đấu thành công nhất của họ trong 5 lần góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh khi lọt vào giai đoạn hai. Đội bóng Tây Á đã đánh bại Maroc 2-1, Bỉ 1-0, và chỉ thua ông lớn Hà Lan 1-2. Ở vòng 1/8, họ thua Thụy Điển – đội sau đó giành hạng ba – với tỷ số 1-3.
Giải đấu năm ấy, Saudi Arabia trình làng một thế hệ đầy tài năng và trẻ trung như thủ thành Mohamed Al Deayea, chân sút Sami Al Jaber, hay tiền vệ Saaed Al Owairan. Và chiến thắng trước tuyển Bỉ của những siêu sao hồi ấy như Enzo Scifo, Luc Nilis, Marc Wilmots, và Michel Preud’homme, với siêu phẩm của Al Owairan là vĩ thanh của họ trên đất Mỹ. “Số 10” của Saudi Arabia đã đi bóng đến 69m, vượt qua 5 cầu thủ Bỉ, trước khi hạ gục thủ thành Preud’homme để ghi bàn duy nhất của trận đấu. Thời điểm ấy, báo chí thế giới sốc thực sự vì họ không nghĩ một cầu thủ châu Á lại có thể lập một siêu phẩm với sự kết hợp hoàn hảo giữa kỹ thuật và thể lực như vậy.
Trong hơn một thập kỷ sau đó, Saudi Arabia tiếp tục là một “ông kẹ” của bóng đá châu Á, với 4 lần dự VCK World Cup. Họ vô địch Asian Cup một lần nữa (1996), và về nhì 2 lần (2000, 2007). Hồi năm 2001, đội tuyển Việt Nam do HLV Dido dẫn dắt từng mục sở thị sức mạnh đáng gờm của Saudi Arabia khi chung bảng với họ ở vòng bảng thứ nhất vòng loại World Cup 2002. Sau hai lượt trận, thế hệ Hồng Sơn, Văn Sỹ phơi áo 0-9, với những bàn thắng của Sami Al Jaber (4) và Talal Al Meshal (5). Kết thúc vòng bảng thứ nhất, Saudi Arabia giành 18 điểm tuyệt đối, ghi 30 bàn thắng và không thủng lưới bàn nào, xếp trên Việt Nam (10), Bangladesh (5), và Mông Cổ (1). Đến vòng loại thứ hai, họ tiếp tục dẫn đầu với 17 điểm sau 8 lượt trận, xếp trên Iran (15), Bahrain (10), Iraq (7), và Thái Lan (4).
Saudi Arabia có mạnh hơn UAE?
Sau ngôi á quân Asian Cup 2007, bóng đá Saudi Arabia trải qua một khoảng lặng kéo dài đến một thập kỷ khi vắng mặt ở hai kỳ World Cup 2010, 2014, và bị loại ngay từ vòng bảng Asian Cup 2011, 2015. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của HLV Bert van Marwijk, họ đã xuất sắc giành quyền dự VCK World Cup 2018, với phong độ xuất sắc của Mohamad Al-Shahlawl, người đã ghi tới 16 bàn ở vòng loại (dù phân nửa vào lưới Timor Leste).
Tại Asian Cup 2019, Saudi Arabia được kỳ vọng khá lớn, nhưng do chỉ xếp nhì bảng E nên họ đụng ngay Nhật Bản và thua 0-1. Ở giải này, Việt Nam tiến sâu hơn Saudi Arabia nhờ chỉ đụng Jordan ở vòng 1/8 (thắng luân lưu), nhưng sau đó cũng thua Nhật Bản với tỷ số 0-1. Còn tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, thành tích của Saudi Arabia thuyết phục hơn hẳn Việt Nam. Họ giành 20/24 điểm tuyệt đối (thắng 6, hòa 2), xếp đầu ở bảng đấu có Uzbekistan, Palestine, Singapore, và Yemen. Trong khi đó, Việt Nam chỉ đi tiếp với tư cách 1 trong 5 đội nhì xuất sắc nhất.
Sức mạnh của Saudi Arabia so với UAE thế nào? Về thứ hạng họ nhỉnh hơn một chút (61 so với 68). Còn về đối đầu, Saudi Arabia không thắng UAE ở 3 lần đối đầu gần nhất. Trong khi sức mạnh hiện tại của UAE nằm ở chân sút Ali Mabkhout và các cầu thủ nhập tịch như Fabio Lima, Sebastian Tagliabue, Caio Canedo thì Saudi Arabia dựa hoàn toàn vào các cầu thủ thuần nội, và đều đang chơi ở trong nước. Sức mạnh của Saudi Arabia dựa nhiều vào bộ tứ Salem Al-Dawsari, Fahad Al-Muwallad, Saleh Al-Sheri và Salman Al Faraj – những người đã ghi 16/22 bàn thắng ở vòng loại World Cup 2022. Tuy nhiên, danh sách triệu tập của họ đợt này không có Al-Dawsari – cầu thủ vừa dự Olympic Tokyo cùng U23 Saudi Arabia. Đây là giải đấu, U23 Saudi Arabia đã thua cả 3 trận trước U23 Bờ Biển Ngà (1-2), U23 Đức (2-3), và U23 Brazil (1-3).
HLV Herve Renard của Saudi Arabia từng dẫn dắt Sông Đà Nam Định vài tháng, nhưng bị sa thải ngay trước thềm V-League 2004. Vậy mà sau này, ông đã đi vào lịch sử khi trở thành HLV đầu tiên vô địch châu Phi cùng 2 đội tuyển khác nhau là Zambia (2012) và Bờ Biển Ngà (2015). Năm 2018, ông còn đưa Maroc trở lại đấu trường World Cup, sau 2 thập kỷ vắng bóng. |
Tuấn Cương