Bóng đá Việt Nam và hiệu ứng domino
(Thethaovanhoa.vn) - Sau kỳ AFF Cup 2021 không thành công, bóng đá Việt Nam vỡ ra quá nhiều điều. Sau giải đấu đáng quên đó, người hâm mộ chờ đợi hình ảnh tươi sáng ở các chiến binh Sao Vàng. Nhưng đâu đó là nỗi lo hiệu ứng domino.
Trước khi bước vào AFF Cup 2021, đội tuyển Việt Nam được kỳ vọng lớn giành chức vô địch. Thậm chí, niềm tin còn lớn hơn ở hai kỳ chúng ta lên ngôi vào năm 2008 và 2018. Bởi lẽ, thành công của bóng đá Việt Nam được duy trì bền vững trong quãng hơn 2 năm.
Các học trò của HLV Park Hang Seo cũng là đội duy nhất khu vực Đông Nam Á giành tấm vé vào Vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Chúng ta được thi đấu 6 trận với 5 đội hàng đầu châu lục trước khi bước vào AFF Cup 2021. Cùng với đó là quãng thời gian hơn 4 tháng tập luyện cùng nhau.
Thế nhưng, đội tuyển Việt Nam đã phải dừng bước ở bán kết. Sau thất bại này, khi được hỏi về bài học rút ra, HLV Park Hang Seo nói rằng, đội bóng không có kết quả tốt nhưng lại đang có những con người tốt nhất. Thua trận là điều đáng tiếc và toàn đội cũng đã nỗ lực hết mình rồi.
Chúng ta có quyền tiếc nuối với thất bại này. Nhưng đối mặt với thất bại thế nào mới là vấn đề đáng bàn. Thực tế, trước khi AFF Cup 2021 khởi tranh, nỗi lo phần nào hiện hữu với cách các cầu thủ thể hiện ở hành trình vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Tuyển Việt Nam thua cả 6 trận và nó ảnh hưởng tâm lý khá lớn đến các cầu thủ. Ngoài ra, việc tập luyện, thi đấu trong thời gian hơn 4 tháng liên tục dưới môi trường bong bóng khép kín tác động đến các cầu thủ.
HLV Kiatisak bảo rằng, ông lo 7 cầu thủ HAGL chán chường, mất đi nhuệ khí và chán cả bóng đá. Nỗi lo đó không phải không có cơ sở khi trước đây, sau những thành công và cày ải liên tục, Quang Hải từng chán bóng đá.
Tuy vậy, đó là nỗi lo của các cá nhân, nỗi lo lớn nhất chính là tương lai. Thất bại một giải đấu không phải là thảm họa. Nó hết sức bình thường, nhất là khi, chu kỳ thành công của bóng đá Việt Nam kéo dài. Không thể đứng mãi trên hành trình vinh quang. Nhưng, sau mỗi thất bại, chúng ta cần rút tỉa, nhìn nhận để trở lại đường ray chiến thắng.
Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng chứng kiến sự tụt dốc thê thảm sau giải đấu thành công hay thất bại đáng tiếc. Đáng kể nhất chính là SEA Games 2009. Chúng ta thua đau đớn Malaysia khi tấm HCV cầm chắc trong tay.
Và sau thất bại ở chung kết đó, U22 Việt Nam hai lần bị loại ở vòng bảng, một lần thất bại ở trận tranh hạng Ba và một lần giành hạng Ba. Chỉ đến khi lứa Quang Hải xuất hiện, Việt Nam mới hiên ngang vô địch SEA Games. Sau 10 năm từ lần vào tranh trận chung kết, Việt Nam mới trở lại vị trí tranh HCV.
Đó cũng là quy luật tương tự ở đội tuyển Việt Nam. Chúng ta trải qua chu kỳ 10 năm vào đến chung kết. Nếu chiếu theo quy luật đó, tuyển Việt Nam chỉ chơi trận đấu này vào… AFF Cup 2028.
Rõ ràng, đâu đó, nỗi lo hiện hữu khi quá khứ từng chứng kiến không ít con số trùng hợp khó tin khiến chúng ta giật mình. Dù vậy, con số cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Có một thuận lợi lớn khi hiện tại, đội tuyển Việt Nam sở hữu dàn cầu thủ ở độ chín sự nghiệp.
AFF Cup 2022 sẽ diễn ra một năm sau. Lứa cầu thủ này vẫn sẽ là trụ cột cho mục tiêu đòi lại ngôi vương. Họ vẫn là ứng viên sáng giá. Thế nhưng, làm thế nào để vực dậy, để làm mới chính mình và không bị đổ theo hiệu ứng domino, đó mới là điều quan trọng.
Tất cả chờ vào các kế hoạch chi tiết, chỉn chu từ VFF, sự cách tân đến từ HLV Park Hang Seo và khát vọng từ chính các cầu thủ. Nên nhớ, khi chúng ta phát triển, các đối thủ không giậm chân tại chỗ. Thái Lan, Indonesia cho thấy điều đó. Và ở giải đấu tới, Singapore, Malaysia hay Philippines cũng đều đáng gờm. Thế nên, đừng vì thất bại ở một giải đấu mà tự đánh mất chính mình.
Gia Bình