Bóng đá Việt Nam, Thái Lan cùng lo ngoại binh!
(Thethaovanhoa.vn) - Số lượng ngoại binh ở giải vô địch quốc gia có thể là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới chu kỳ thành công hay thất bại của bóng đá Việt Nam cũng như Thái Lan.
1. Có 11 tuyển thủ U23 Việt Nam được thi đấu trên 1.000 phút cho CLB chủ quản ở mùa giải 2018. Thời lượng trải nghiệm ít ỏi là một trong những vấn đề khiến HLV Park Hang Seo phàn nàn trong lần tập trung đội tuyển dự vòng loại U23 châu Á lần này.
Lứa cầu thủ cùng ông Park “đánh Đông dẹp Bắc” khắp châu Á cả năm trước đó là những người dạn dày hơn rất nhiều so với các đàn em hiện tại, kể cả khi ở cùng độ tuổi. Họ may mắn được hít thở bầu không khí V-League khi nhiều CLB trẻ hóa ồ ạt, không chỉ Hà Nội và HAGL.
VIDEO: Bàn thắng và highlights U23 Việt Nam 4-0 U23 Thái Lan
Nhưng bây giờ ngay cả những cầu thủ được ra sân thường xuyên như Hà Đức Chinh cũng phải đối mặt với mối đe dọa mất cơ hội thi đấu. HLV Lê Huỳnh Đức chê cậu học trò phong độ kém trước khi lên tập trung U23 Việt Nam. HLV Park Hang Seo vặn lại ngay rằng: “Nếu SHB Đà Nẵng dùng 2 cầu thủ ngoại như thế, các bạn nghĩ Đức Chinh phải làm gì để cạnh tranh với họ đây?”.
Thầy Park hỏi ngược lại đội bóng sông Hàn, nhưng có lẽ ông muốn gửi lời nhắn tới tất cả các đội bóng cũng như các nhà tổ chức bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. V-League mùa này tăng thêm một suất ngoại binh, cũng có nghĩa là cơ hội thi đấu của các cầu thủ nội, đặc biệt là cầu thủ trẻ càng giảm đi.
2. Số lượng ngoại binh mà một CLB V-League được phép đăng ký là 3 người (chưa kể 1 cầu thủ nhập tịch). “Ồ tôi nghĩ đó là một con số lý tưởng đấy”, HLV Alexandre Gama của U23 Thái Lan chia sẻ. Ở Thái Lan, một CLB có thể đưa tối đa 7 cầu thủ nước ngoài vào sân cùng lúc.
Từng dẫn dắt 2 CLB Thai League là Buriram United và Chiangrai United giành tới 12 danh hiệu các loại, nhà cầm quân người Brazil hiểu được tầm quan trọng của các ngoại binh đối với đội bóng. Nhưng bây giờ với tư cách là một HLV đội tuyển, ông Gama lại có quan điểm khác.
“Tôi nghĩ là quá nhiều sự cạnh tranh đối với các cầu thủ nội địa. Nếu các CLB đưa tất cả ngoại binh vào sân thì chỉ còn lại vài vị trí cho cầu thủ nội thôi”, HLV 51 tuổi nói. Chỉ một phần ba số cầu thủ U23 Thái Lan tham dự vòng loại U23 châu Á vừa qua được ra sân thường xuyên ở Thai League.
“Tôi nghĩ các cầu thủ cần được bảo vệ để phát triển. Tôi tin đó là điều quan trọng đối với các cầu thủ U19, U23. Họ cần thi đấu để có trải nghiệm, nếu không được ra sân nhiều họ sẽ không tiến bộ được”.
3. Dễ hiểu vì sao Thai League nới rộng quy định cầu thủ ngoại liên tục trong những năm qua dù không phải đội bóng nào cũng dùng hết quyền lợi của mình. Người Thái đang muốn “quốc tế hóa” giải quốc nội của họ để tăng giá trị giải đấu cả về chuyên môn lẫn thương mại.
Bóng đá thực ra đã trải qua giai đoạn đó từ nhiều năm trước. V-League từng rất hấp dẫn khi các đội bóng được dùng 3 ngoại binh và không giới hạn cầu thủ nhập tịch. Trùng hợp là trong giai đoạn ấy (trước năm 2014), cả đội tuyển quốc gia và U23 đều thi đấu không thành công và có lúc rơi vào tình trạng khan hiếm nhân tài.
Ảnh hưởng của ngoại binh đối với nguồn lực nội địa luôn là một nghịch lý. Cầu thủ đến từ những nước khác có trình độ chuyên môn hoặc thể chất tốt hơn sẽ nâng tầm giải đấu và tạo động lực vươn lên cho các đồng nghiệp bản địa. Tuy nhiên sự cạnh tranh quá lớn sẽ dẫn đến phản tác dụng.
Park Hang Seo và Alexandre Gama là hai vị HLV đang có chung một nỗi trăn trở. Đó cũng là bài toán mà bóng đá Việt Nam và Thái Lan gặp phải suốt nhiều năm qua mà lời giải mỗi lúc lại khác nhau. Câu chuyện về số lượng ngoại binh cũng chính là mâu thuẫn giữa hai mặt của nền bóng đá: giải vô địch quốc gia và đội tuyển.
Đức Anh