Bóng đá Việt Nam ở SEA Games 29: Cảm xúc khó gọi tên
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ năm 2009 tới nay, SEA Games 2017 là kỳ Đại hội đầu tiên mà bóng đá Việt Nam đóng góp 1 HCV vào bảng vàng thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN), nhưng giống như SEA Games 2009, chủ nhân chiếc HCV bóng đá ở kỳ Đại hội năm nay của đoàn TTVN vẫn là các nữ tuyển thủ.
- U22 Việt Nam vắng bóng, người Thái áp đảo đội hình tiêu biểu SEA Games 29
- Văn Quyết làm đội trưởng tuyển Việt Nam, nói lời gan ruột với đàn em U22
- Sai lầm như Phí Minh Long, thủ môn U22 Malaysia được ví với... Bàn tay của Chúa
Nếu cộng thêm HCB của đội tuyển futsal nữ và HCĐ của đội tuyển futsal nam thì bóng đá Việt Nam coi như cũng đã có trọn bộ huy chương tại SEA Games 29, với đủ 3 màu vàng, bạc, đồng. Tuy nhiên, thất bại ngoài sự tưởng tượng của đội tuyển U22 nam đã khiến cho giá trị của bộ huy chương bóng đá nói trên bị suy giảm rất nhiều, và hẳn là sẽ chẳng nhiều người dám kết luận rằng bóng đá Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ ở SEA Games 29.
Rất khó để tìm lời lý giải thoả đáng cho cú sẩy chân không thể tin nổi của U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Có ý kiến cho rằng vì U22 Việt Nam chỉ gặp những đối thủ quá yếu trong chuyến tập huấn miễn phí tại Hàn Quốc nên khi vào SEA Games 29 thì không đá được với các đội mạnh hơn hoặc ngang cơ như Thái Lan hay Indonesia.
Tuy nhiên, đội tuyển nữ Việt Nam cũng được tập huấn miễn phí tại Nhật Bản, với các đối thủ có trình độ tương tự những “quân xanh” của đội tuyển U22 Việt Nam ở Hàn Quốc, nhưng cuối cùng thầy trò HLV Mai Đức Chung vẫn giành HCV SEA Games 29.
Tất nhiên sẽ là rất khập khiễng nếu so sánh giữa bóng đá nam và bóng đá nữ, nhưng có thể nói rằng 2 đội đã được VFF chuẩn bị cho SEA Games 29 với điều kiện không có nhiều khác biệt, song kết quả thu được thì lại hoàn toàn khác nhau.
HLV Hữu Thắng đã rất may mắn mới được ngồi lại ghế HLV trưởng sau kỳ AFF Cup 2016 cực kỳ thất vọng, và trong chiến dịch hướng tới SEA Games 29, ông Thắng cũng được tạo điều kiện gần như tối đa, kể cả việc để GĐKT Jurgen Gede nằm ngoài thành phần BHL như ý muốn của ông Thắng.
Thế nhưng, ngoại trừ thành tích cùng U22 Việt Nam giành vé tham dự giải VCK U23 châu Á năm 2018, lối chơi của U22 Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng chưa bao giờ tạo được sự tin tưởng cao độ cho người hâm mộ, cả khi đá với đội yếu cũng như đội mạnh.
Có ý kiến cho rằng đặc trưng của bóng đá là thiếu sự ổn định nên có thể lúc này chơi tốt nhưng lúc khác lại không tốt, điển hình như U22 Myanmar gồm lứa cầu thủ từng dự giải U20 thế giới năm 2015 nhưng cũng không thể góp mặt trong trận chung kết.
Sự thực là U22 Myanmar đã không có mặt trong trận đấu của giải đấu như cách đây 2 năm, nhưng họ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho U22 Thái Lan trong trận bán kết, và U22 Thái Lan chỉ thắng được U22 Myanmar nhờ bàn thắng ghi được ở phút bù giờ cuối cùng, khác hẳn với cách U22 Việt Nam thua tan nát trước U22 Thái Lan trong thế trận chúng ta chỉ cần hoà là có vé vào bán kết.
Bóng đá trẻ đồng nghĩa với sự thiếu ổn định về mặt thành tích, đấy là sự thực không thể phủ nhận, nhưng khi một HLV thất bại ở 2 giải khu vực trong 2 năm liên tiếp với lứa cầu thủ được đánh giá là cực kỳ tài năng thì đấy lại là sự thực khác về năng lực cầm quân của HLV này.
Bóng đá Việt Nam đã nhiều lần thất bại ở các kỳ SEA Games, ngay cả khi chúng ta không phải đối đầu với Thái Lan ở trận chung kết và lại có sự dẫn dắt của một HLV thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, như trường hợp của HLV Henrique Calisto tại SEA Games 2009 ở Lào.
Vì thế, thêm một thất bại nữa như ở SEA Games 29 cũng không phải là chuyện cháy nhà chết người, nhưng điều khiến người ta thất vọng hơn cả là cái cách mà thầy trò HLV Hữu Thắng rời khỏi giải đấu, khi mà chúng ta đã tự thua theo kiểu “lấy đá ghè chân” chứ không phải do đối phương đẳng cấp hơn, như nhận xét của lãnh đạo đoàn TTVN ở SEA Games 29.
Huy Anh