Bóng đá Việt Nam đang sở hữu những thế hệ 'tài đức vẹn toàn'
(Thethaovanhoa.vn) - Với sự tươi mới từ cấp ĐTQG đến lứa U22 QG trở xuống, bóng đá Việt Nam đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực. Đã đến những ngày tháng tươi sáng cho nền bóng đá nước nhà?
- Bầu Đức bỏ tiền túi sang Malaysia cổ vũ U22 Việt Nam
- 'U22 Việt Nam còn thời gian để khắc phục hạn chế'
- GĐKT Jurgen Gede và U22 Việt Nam: Phía sau một lời từ chối ngầm (kỳ 2)
Thế hệ “tài - đức vẹn toàn”!
“U22 Việt Nam đá thế là hay quá. Lối đá hiện đại, đây là điều mà tôi thích ở đội bóng này. Trận đấu thể hiện hình ảnh tươi sáng và tín hiệu tốt cho bóng đá nước nhà”, sau trận thua U22 Hàn Quốc và giành tấm vé dự vòng chung kết U23 châu Á 2018, HLV lão làng Phan Thanh Hùng bày tỏ.
Chiến tích mà thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng làm được đặt trong bối cảnh hiện tại của bóng đá trẻ Việt Nam đang tỏa sáng, là không quá bất ngờ.
Những thành công của bóng đá trẻ ở mọi cấp độ từ U15, U16 rồi U19 mang đến một luồng gió mới. Đó không phải là sự ngẫu nhiên mà các cầu thủ trẻ Việt Nam giờ được đào tạo bài bản, theo mô hình bóng đá chuyên nghiệp khi đúng nghĩa với khái niệm đào tạo con người. Với phát súng lệnh từ Học viện HAGL JMG, đến nay rất nhiều các trung tâm hay địa phương chú trọng đến đào tạo song song về chuyên môn lẫn văn hóa.
Một thế hệ tươi tắn, căng tràn nhựa sống với tư duy chơi bóng hiện đại, chững chạc đã được hình thành. Ở đó, các cầu thủ không chỉ thể hiện sự đĩnh đạc trên sân mà trước giới truyền thông, họ còn thể hiện sự tự tin, bản lĩnh.
Quan trọng nhất là thế hệ đầy tài năng này không chỉ khu biệt ở một vùng miền nhất định mà lan tỏa khắp cả nước. Từ Gia Lai đến Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, khắp mọi vùng miền đều có sự cân bằng giữa nền tảng đạo đức và chuyên môn được hình thành. Dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cầu thủ cúi chào đội bạn khi được thay ra hay như màn chào khán giả bằng cách đi xung quanh sân để nói lời cảm ơn của U22 Việt Nam là hình ảnh tiêu biểu. Đó là văn hóa trong thể thao cần được nhân rộng.
Và đặc biệt, dù thua nhưng không hề có chuyện lấn cấn tiêu cực mà ở đó, những yếu tố chuyên môn được mổ xẻ thay vì nghi ngờ rồi “nhờ” cơ quan an ninh vào cuộc.
VFF cũng đã làm mới mình?
Phải công bằng đánh giá, những thành công của bóng đá trẻ có vai trò không nhỏ của VFF, trong đối ngoại, trong việc quyết liệt đầu tư cho bóng đá trẻ.
Song, không thể phủ nhận sự thành công đó mang dấu ấn đậm nét của các địa phương hay trung tâm. Và ở đó, khi người trẻ thay đổi cũng cần đến sự thay đổi về tư duy, cần những bước đi táo bạo, mang tính đột phá từ giới lãnh đạo.
HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ rằng: “Xuất phát điểm của bóng đá Việt Nam không kém, có nghĩa là tài năng của các cầu thủ mình không kém so với các nước trong khu vực nhưng chúng ta thua họ ở cách làm và đầu tư. Vì thế, sự thành công của bóng đá trẻ trong thời gian qua là tất yếu nhưng ở cấp độ ĐTQG thì chúng ta cần xem xét lại”.
Tức là tiềm năng của bóng đá Việt Nam thì vô hạn nhưng khai thác tiềm năng vẫn còn là hạn chế nhất định. Mà ở đó, sự thay đổi, thanh lọc có chọn lọc rất cần thiết để tạo nên sự bứt phá. Như chính tuyên bố của bầu Đức rằng “nếu không giành Vàng ở SEA Games 29 thì bản thân tôi xin nghỉ với cương vị Phó chủ tịch VFF. Không chỉ tôi mà các vị lãnh đạo ở VFF cũng nên nghỉ để người khác lên thay”.
Đại hội VFF nhiệm kỳ mới cũng sẽ diễn ra năm sau, khi cả nền bóng đá đang cuộn chảy với nhiều cái mới, tích cực lên ngôi, thì rõ ràng VFF cũng phải thay đổi mới mong theo kịp thời thế. Nói cách khác, VFF cũng cần phải “thanh lọc cơ thể”!
Trần Khánh
Thể thao & Văn hóa