Bóng đá Thái Lan chưa hết bất ổn
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong vòng vài tiếng, các đội bóng trẻ của Thái Lan liên tục nếm những trái đắng ở những giải U15 và U18 Đông Nam Á. Rõ ràng, bóng đá xứ sở Chùa vàng vẫn đang loay hoay trên con đường tìm lại vị thế đích thực của mình.
Chiều 9/8, U18 Thái Lan đã trải qua một trận đấu vô cùng bạc nhược trước đối thủ bị đánh giá thấp hơn mình rất nhiều là U18 Campuchia khi để thua 3-4. Và như để xát muối vào nỗi đau ấy, những đàn em của họ là U15 Thái Lan thua tiếp U15 Malaysia 1-2 ở trận chung kết U15 Đông Nam Á 2019.
Những hình ảnh xấu xí ở Chonburi
U18 Thái Lan thì còn cơ hội sửa sai, chứ U15 Thái Lan thì không. Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã rất kỳ vọng các cậu bé của HLV Salvador Valero Garcia sẽ giành được một danh hiệu để tạo nền tảng về mặt niềm tin cho cả một niềm bóng đá.
Họ đã triệu tập cả tài năng trẻ đang khoác áo Leicester là Niphitphon Wongpanya, người đã để lại dấu ấn với cú đúp vào lưới U15 Indonesia ở bán kết. Họ cũng tận dụng tối đa lợi thế sân nhà để thay đổi giờ, đẩy U15 Việt Nam phải đá trận bán kết sớm trong thời tiết nắng nóng. Việc hòa trên thế thắng trước U15 Malaysia ở vòng bảng càng khiến người Thái hy vọng vào chức vô địch khi tái ngộ đội bóng này ở chung kết, và quả thực, họ đã dẫn 1-0 đến quá nửa hiệp hai.
Thế nhưng chỉ trong vòng 12 phút cuối, người Thái đổ gục. đầu tiên là tình huống cả hàng phòng ngự U15 Thái Lan áp sát hời hợt để Irzin liên tục qua người và dứt điểm chìm gỡ hòa 1-1. Và cuối cùng, cay đắng hơn, vào đúng phút thi đấu chính thức cuối cùng, họ thủng lưới sau cú đánh đầu của Nabuil Zainnuddin.
Không những thua về tỷ số, Thái Lan còn thua cả về phong cách với những hình ảnh rất xấu xí ở cuối trận chung kết. Phút bù giờ thứ ba, U15 Malaysia được hưởng phạt góc, và (dĩ nhiên), họ cố tình giữ bóng gần cột cờ cuối sân để câu giờ. Số 19 của U15 Thái Lan là Kongpop Kroirak lao ra cướp bóng bất thành và va chạm khiến một cầu thủ Malaysia nằm sân đau đớn. Ngay lập tức 2 cầu thủ U15 Malaysia khác chạy đến lời qua tiếng lại. Không giữ được bình tĩnh, Kroirak lao vào đánh đội trưởng U15 Malaysia là Izwan và mở ra cuộc ẩu đả dữ dội giữa cầu thủ hai đội trên sân, và trọng tài phải rút ra hai thẻ đỏ cho Kroirak và Kharil Zain.
Loanh quanh trong vòng xoáy áp lực
Sự bốc đồng của các cầu thủ trẻ là điều có thể hiểu được, song lỗi thì tại người lớn vì đã đặt cho những cậu bé quá nhiều áp lực thành tích. Việc U15 Thái Lan bị FAT bắt buộc phải vô địch giải U15 Đông Nam Á rõ ràng đã khiến các cầu thủ trẻ rơi vào tình thế mất bình tĩnh và không giữ được cái đầu lạnh. Sự nóng nảy của các cầu thủ U15 Thái Lan rất giống với những hình ảnh xấu xí của U23 Thái Lan, khi họ thảm bại 0-4 trước U23 Việt Nam ở Mỹ Đình hồi tháng Ba năm nay, trong khuôn khổ vòng loại U23 châu Á.
Ban huấn luyện U15 Thái Lan có lẽ quên mất rằng U15 Malaysia không hề là một đối thủ yếu. Đội bóng ấy gồm 22/23 cầu thủ học viện Mokhtar Dahari, vốn được tập trung với nhau từ rất lâu, có sự ăn ý đặc biệt, và thậm chí vừa vô địch một giải đấu với những đối thủ còn được đánh giá cao hơn cả họ (như U15 Trung Quốc, U15 Iran và U15 Triều Tiên ở CFA Tournament). Thực tế, U15 Malaysia đã vô địch U15 Đông Nam Á hoàn toàn xứng đáng, vì họ là đội bóng đồng đều nhất, có lối chơi gắn kết nhất, và có những cá nhân có thể tạo ra đột biến (Nabil Zainnuddin, Irzin). Ở giải này, họ cũng có những chiến thắng rất thuyết phục trước U15 Australia (3-0) và U15 Việt Nam (3-1).
Trở lại U18 Thái Lan, đội bóng được đánh giá là ứng viên vô địch trước khi bước vào giải nhưng lại gây thất vọng khi để U18 Singapore cầm hòa 1-1, và đặc biệt sau đó là thất bại 3-4 trước U18 Campuchia, đội bóng mà họ chưa bao giờ để thua cả. HLV Issara Sritharo bị xem là kẻ tội đồ với cách sắp xếp nhân sự bị xem là vô cùng hời hợt và chủ quan. Ông đã thay thế hơn nửa số cầu thủ đá chính ở trận ra quân, và đó được xem là nguyên nhân khiến U18 Thái Lan thi đấu rời rạc, và giúp đối thủ của họ chơi ngày càng tự tin hơn. Giới truyền thông nước này thì ngán ngẩm: “Đây sẽ là nòng cốt cho kế hoạch góp mặt ở VCK World Cup 2026 ư?”
Nhưng cũng phải thừa nhận một thực tế rằng chính giới truyền thông Thái Lan là những người đã góp tay đổ dầu vào lửa khi tạo ra những sức ép quá lớn lên các cầu thủ trẻ ở trước, trong, và sau các trận đấu, với những bài viết tổng xỉ vả hết sức cay nghiệt, và thiếu tính xây dựng.
Và thế là, người Thái vẫn loanh quanh với vòng xoáy áp lực, trên hành trình tìm lại vị thế anh cả trong khu vực của mình, từ cấp độ trẻ cho đến đội tuyển quốc gia.
Tuấn Cương