Bộ trưởng Giao thông vận tải: Phạt nghiêm nhà xe để lái xe vi phạm nhiều lần
Phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2023 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, diễn ra ngày 10/10, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng sửa đổi quy định để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải một cách hiệu quả hơn.
Theo Bộ trưởng, 9 tháng năm 2023, cùng với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế. Tuy vậy, số người thương vong do tai nạn còn ở mức cao, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn nhiều thời điểm có xu hướng diễn biến phức tạp hơn.
Ngoài hành vi trực tiếp của người điều khiển phương tiện là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, còn có trách nhiệm gián tiếp của công tác quản lý nhà nước ở các khâu có liên quan. Bởi vậy, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Chỉ thị số 10/CT-TTg, đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 149/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ban hành hướng dẫn bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện. Ủy ban tổ chức cuộc họp chuyên sâu để phân tích, mổ xẻ những bất cập trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và hành vi thiếu niên chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô gây tai nạn giao thông, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
"Đây là nhiệm vụ rất cấp thiết, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban để thực hiện", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đề cập đến báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, trong 9 tháng, số học sinh, sinh viên thương vong do tai nạn giao thông rất lớn, lên đến gần 1000 người, rất thương tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị rà soát lại để bổ sung, điều chỉnh phù hợp, hành động ngay, giảm thiểu tình hình tai nạn xảy ra với học sinh, sinh viên.
Ông cũng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tham gia các buổi họp tại các địa phương về các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền an toàn giao thông; kiểm tra các lĩnh vực, địa bàn, địa phương có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp, tai nạn giao thông tăng cao trong 9 tháng qua.
Cho rằng, những bất cập vừa qua liên quan rất nhiều tới thể chế, Bộ trưởng lưu ý các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải theo chức năng nhiệm vụ phải đặc biệt chú trọng tới việc hoàn thiện các quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra an toàn kết cấu hạ tầng giao thông trước và trong mưa lũ, nhất là các tuyến quốc lộ qua địa hình đèo, dốc có nguy cơ sạt lở, các vị trí cầu vượt tuyến đường thủy có chiều cao và khẩu độ thông thuyền hẹp…; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông kịp thời rà soát, phát hiện, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Từ vụ việc xe khách của Công ty Thành Bưởi vi phạm, gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Đồng Nai vừa rồi cho thấy nhiều bất cập, chỉ trong 9 tháng, xe khách của doanh nghiệp này vi phạm tốc độ và bị tước phù hiệu tổng cộng 246 lần, Bộ trưởng đặt vấn đề "việc tước phù hiệu có hiệu lực thực sự không?".
Nhấn mạnh hành vi này "quá coi thường pháp luật", người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cho rằng phải có chế tài mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thu hồi giấy phép kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, phải nhanh chóng sửa đổi quy định để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải một cách hiệu quả hơn; rà soát lại quy định pháp luật, sửa đổi ngay, tăng chế tài, phạt thật nghiêm đối với các nhà xe để nhân viên lái xe vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý các trường hợp, các cơ quan, đơn vị vi phạm gây tai nạn giao thông, tạo ra văn hóa trong giao thông, đó là không thể vi phạm, không dám vi phạm và không muốn vi phạm. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe bằng, chứng chỉ chuyên môn của người điều khiển phương tiện; kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động các bến xe ô tô khách; vận tải hành khách đường thủy từ bờ ra đảo.
Thời gian qua, các hoạt động tuần tra kiểm soát vi phạm theo chuyên đề của Bộ Công an, đặc biệt là vi phạm quy định nồng độ cồn, đã góp phần tác động rất lớn trong kéo giảm tai nạn giao thông, được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Bộ trưởng mong muốn Bộ Công an duy trì thường xuyên, liên tục các chuyên đề này. Cùng với đó, quan tâm xử lý trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ khi để thiếu niên chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển mô tô, nhất là các trường hợp gây tai nạn giao thông.
Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ tích hợp thông tin khám sức khỏe lái xe lên hệ dữ liệu quốc gia để dùng chung, qua đó cho phép các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể truy cập tham khảo các thông tin sức khỏe lái xe khi cần thiết.
Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức tốt chương trình tặng mũ bảo hiểm cho toàn bộ học sinh lớp 1 trên toàn quốc, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong giáo dục văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ và là một cuộc vận động lớn trong việc nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong tuyên truyền, giáo dục học sinh bằng các chương trình đa dạng, phong phú và thực chất hơn.
"Các địa phương vừa tuyên truyền, vừa có các hoạt động xử lý nghiêm với hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông của học sinh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; công tác bảo đảm an toàn giao thông với học sinh; nguyên nhân gây tai nạn giao thông và giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông trong quý IV…
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, tai nạn giao thông 9 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn xảy ra 22 vụ đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, làm 77 người tử vong, bị thương 56 người. Qua phân tích các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì nguyên nhân 31% là do người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường; 13,64% có sử dụng rượu, bia. Phương tiện ô tô chiếm 53%, mô tô chiếm 47%.
Đại diện tỉnh Kon Tum cho biết, toàn tỉnh có 40 doanh nghiệp kinh doanh vận tải được cấp phép với trên 1.100 đầu xe các loại, trong đó có 15 đơn vị vận tải hành khách. Nhìn chung các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành quy định, không để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, hầu hết các vụ tai nạn do xe ngoài tỉnh đến. Từ đầu năm đến nay, tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là 39 vụ.