Biến tấu cùng EURO: Chuyện về phần sẫm nơi chiếc bóng đổ xuống
(Thethaovanhoa.vn) - Ronaldo đứng hơi kiễng chân đúng kiểu ăn gian chiều cao quen thuộc, quay lưng lại đám đông và dõi mắt về xa xăm, như bàng quan trước mọi tung hô phía sau… Không hiểu sao tôi cứ hình dung cảnh tượng đó, tôi cứ nghĩ là nó sẽ như thế, nên như thế.
1. Có vẻ như thần may mắn đang chiếu vào chàng trai 31 tuổi này. Tuyển Bồ Đào Nha nhờ những pha tỏa sáng đúng lúc của chính anh và đồng đội, nhờ cả sự lận đận vòng bảng bỗng nhiên được rơi tõm vào một nhánh đấu mà các đối thủ nhìn chung là “vừa miếng” để rồi đi đến trận đấu cuối cùng.
Hình ảnh Ronaldo, ngay từ sau trận bán kết đã chiếm diện tích lớn của mọi trang báo. Hằng hà sa số mỹ từ đẹp nhất được dành cho anh, nâng anh bay bổng lên vời vợi trời cao từ ngay lưng chừng núi của những hoài nghi trước đó chưa lâu.
Nên nếu tôi là Ronaldo, tôi sẽ hiểu rằng, cũng từng đó dung lượng, thậm chí là nhiều hơn thế, sẽ mạt sát tôi, dè bỉu tôi, cười hả hê vào mặt tôi... nếu như đội tôi thua. Thậm chí, ngay cả khi tuyển Bồ Đào Nha giành chiến thắng, mà tôi không ghi bàn, bức chân dung của Ronaldo trên truyền thông cũng sẽ mang một diện mạo khác, hơn cả xấu xí. Bởi vậy tôi mới có dung tưởng như ở trên, tôi mong trên những mũi chân được kiễng rất điệu kia là một lý trí đủ vững để vượt qua hào quang có thể nói là rất phù phiếm, rất ảo đang vây quanh mình.
Nhưng Ronaldo thì không phải tôi nên chẳng thể biết được CR7 có nhìn thấy khoảng sẫm tối nơi chiếc bóng của anh đổ xuống? Song kể cả anh không nhìn thấy, thì sẽ chẳng phủ nhận được rằng hai lần Bồ Đào Nha góp mặt ở Chung kết đều có hình bóng của Ronaldo. Bởi vậy, bất luận kết quả đêm 10/7 tới đây tại Saint Denis như thế nào, Ronaldo đã bước chân vào ngôi đền huyền thoại của bóng đá thế giới, của bóng đá Bồ Đào Nha, lừng lững tỏa sáng và vĩnh viễn không tắt.
2. The winner takes it all - Kẻ chiến thắng giành được tất cả, cái cụm từ tưởng chừng như là chân lý đó lại không hề đúng với Gareth Bale cho dù anh và đồng đội đã thua trong trận bán kết tại Lyon. Một kẻ thua cuộc vinh quang, là những gì mà người ta dành tặng cho gã cầu thủ có bước chạy của loài linh dương và đội tuyển “Con rồng đỏ” của anh.
Với người xứ Wales, Bale chính là thanh kiếm trong đá sắc bén và dũng mãnh của vua Athur mà huyền thoại về vị vua ấy từ mùa hạ năm 2016 đã bị lu mờ bởi một chàng trai tên là Gareth Bale. Bất chấp rằng, tại trận đấu quyết định này, Bale đã chơi dưới năng lực, nhưng để đi đến đây, công lao của anh là quá lớn. Tuyển xứ Wales mới đích thực là đội bóng của một người chứ không phải là Bồ Đào Nha.
Bên cạnh Ronaldo phong độ trồi sụt, Bồ Đào Nha còn có Nani, Pepe… nhưng xứ Wales thì chỉ có Bale. Một tiền đạo phải làm thay cả tiền vệ, hậu vệ, nói vui như một fan hâm mộ thì chẳng lẽ vừa đá phạt góc xong lại chạy vào để đánh đầu? Vì vậy có thể hiểu, những bàn thắng của Bale đều từ đá phạt, nơi anh có thể chỉ với tài năng của riêng mình đưa bóng vào lưới, không cần có sự trợ giúp của những người làm bóng.
Một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân, nhưng chỉ với Bale, bóng đá xứ Wales đã vào đến bán kết giải đấu danh giá nhất của lục địa già ở ngay lần đầu tiên giành vé vào dự giải đấu này. Một kết quả phi thường có được từ một nỗ lực phi thường của Bale và đồng đội. Dấu mốc này sẽ là bàn đạp để họ tiếp tục mơ những giấc mơ kỳ diệu mai sau.
Lại cùng dung tưởng nhé, giữa màu xanh ngút ngát của những cánh đồng cỏ chạy dài tận phía đường chân trời của xứ Wales thanh bình, bỗng chợt cháy bửng lên màu đỏ của rừng người hâm mộ đón các người hùng trở vể trong men say, trong bầu không khí lễ hội, trong sự ngọt ngào đến lịm người của những kỳ tích… Và mai này cho mãi về sau, sẽ lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, câu chuyện về những chiến công của chàng Bale và đồng đội.
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa