Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam: Truyền thống và Cộng đồng
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/11, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học "Bách khoa toàn thư Việt Nam: Truyền thống và Cộng đồng". Tham dự hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên, lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày tham luận với các nội dung như: Phương thức biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam: Bác học hay Cộng đồng?; Mạng lưới nhân lực và truyền thông trong quá trình biên soạn Bách khoa toàn thư Nhật Bản; Biên soạn Bách khoa toàn thư Trung Quốc: Đôi điều suy nghĩ; Những lỗi thường gặp trong Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam... và các thảo luận.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Đề án, đây là lần đầu tiên Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam được truyền thông rộng rãi tới cộng đồng, đặc biệt là các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên ở các lĩnh vực khoa học khác nhau. Mục tiêu đặt ra là để cộng đồng quan tâm và hiểu hơn về Đề án cũng như cách thức biên soạn, mặt khác nhằm thu hút các ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học uy tín để chuẩn bị cho việc triển khai biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam theo hướng mở ra cộng đồng.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, mặc dù thời gian chuẩn bị rất ngắn nhưng hội thảo đã nhận được 24 tham luận của các tác giả trong những lĩnh vực khoa học khác nhau, trong đó có 19 tham luận xoay quanh các chủ đề liên quan đến việc biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam. Nhìn chung, các nhà khoa học đều tán thành với quan điểm cần phải tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ, tận dụng sức mạnh của cộng đồng để thúc đẩy tiến độ và chất lượng của Bách khoa toàn thư Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa ra cộng đồng hội thảo dạng Bách khoa toàn thư Việt Nam mở cũng cần phải có một số điều kiện nhất định hỗ trợ.
Trái lại, theo Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam, nếu muốn biên soạn, xây dựng bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam đáp ứng mục đích "Trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực, thiết yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam", rõ ràng lựa chọn tốt nhất là phương pháp bác học. Việc khắc phục những hạn chế của phương pháp bác học có thể giải quyết bằng cách tăng cường giải pháp tin học trong quản lý, huy động nguồn vốn xã hội để bổ sung một phần cho kinh phí nhà nước và sau khi hoàn thành có thể xuất bản trên môi trường mạng theo phương thức open access, qua đó thu thập ý kiến góp ý của cộng đồng để sửa chữa, bổ sung trong lần xuất bản mới. Mặt khác, việc lựa chọn phương thức cộng đồng có một số ưu điểm nhưng những ưu điểm đó không thể bù đắp được những hạn chế, trong đó có những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của Bách khoa toàn thư không thể đáp ứng mục tiêu đặt ra...
Được biết, Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/7/2014 nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ sách phản ánh những tri thức cơ bản về đất nước, con người Việt Nam và thế giới. Đề án quy tụ hàng ngàn nhà khoa học trong 70 ngành khoa học thuộc các khối ngành xã hội và nhân văn, tự nhiên và công nghệ, nghệ thuật, quốc phòng, an ninh cùng chung tay xây dựng. Như vậy, chủ thể được giao biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam thời kỳ này thuộc các nhà khoa học, giống như cách mà thế giới vẫn làm hàng ngàn năm nay.
Năm 2020, Đề án bước vào giai đoạn 2 với việc mời cộng đồng cùng tham gia biên soạn theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dựa trên ý tưởng chúng ta đang bước vào thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, điều kiện công nghệ đã khác hoàn toàn bối cảnh ra đời của các bộ bách khoa toàn thư hiện đại trên thế giới. Bằng cách này đã giải quyết được một số vấn đề quan trọng về nguồn lực con người và tài chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ biên soạn, phát triển nền tảng tri thức Việt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cách làm này cũng gặp phải những khó khăn nhất định như: việc kiểm định thông tin trong nội dung mục từ; kiểm tra tính xác thực của danh mục tài liệu tham khảo; vấn đề quyền tác giả đối với các mục từ được cộng đồng biên soạn sau đó các nhà khoa học thuộc các ban biên soạn chuyên ngành biên tập, hoàn thiện là những vấn đề khiến một số nhà khoa học đang băn khoăn...
- Biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT là không cần thiết
- Sửa đổi Đề cương, Kế hoạch biên soạn, xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam
- Thành lập Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam
Đến nay, Đề án cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề cương các quyển chuyên ngành, xác định số lượng mục từ cần biên soạn khoảng 60.000 từ. Tuy nhiên, với cách biên soạn như truyền thống, thời gian thực hiện Đề án sẽ mất rất nhiều thời gian thì mới có thể hoàn thành. Việc phối hợp phương pháp Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giữa truyền thống và cộng đồng đang tiếp tục được các nhà khoa học, các cơ quan chức năng thảo luận để tìm ra hướng giải quyết để sớm có được bộ sách Bách khoa toàn thư Việt Nam đạt chất lượng cao nhất.
Ngọc Thiện/TTXVN