Bị loại sớm ở Canadian Open 2023, Carlos Alcaraz đã có một bài học quý giá
Thất bại của Carlos Alcaraz trước Tommy Paul ở tứ kết Canadian Open 2023 không hẳn là một điều tiêu cực. Ngược lại, nó là bài học quý về việc đối mặt với áp lực khi đang ở trên đỉnh cao.
Alcaraz đến Canada với vị thế tay vợt số một thế giới, đương kim vô địch Wimbledon, song chính sự thăng tiến chóng mặt ấy cũng mang đến một số bất lợi cho chính anh. Cho dù có thể còn đôi chút mệt mỏi sau chiến tích lịch sử ở Wimbledon, việc Alcaraz thua Tommy Paul năm thứ hai liên tiếp ở National Bank Open vẫn khiến chúng ta khá thất vọng. Bởi anh đã từng thể hiện khí chất bất khả chiến bại của mình.
Sức hút của Alcaraz ở Canada
Alcaraz là lý do khiến các fan đổ xô đến giải với số lượng kỷ lục. Ngoài việc là quê nhà của Milos Raonic, người hâm mộ Canada còn khao khát chứng kiến màn trình diễn của nhà đương kim vô địch US Open. Những dư vị từ một năm trước, khi Alcaraz lên ngôi ở Flushing Meadows, rồi trở thành tay vợt tuổi teen đầu tiên trong kỷ nguyên Open lên ngôi số một thế giới, đến bây giờ vẫn còn phảng phất. Đêm thứ Tư tuần trước, hình ảnh Alcaraz trước trận gặp Ben Shelton ngập tràn các biển quảng cáo ở Toronto, có lẽ chỉ sau chuyến lưu diễn The Eras của Taylor Swift. Chừng ấy đủ cho thấy độ hot của anh.
Nếu chỉ chứng kiến Alcaraz từ lăng kính chuyên môn, với kỹ năng phi thường, thật dễ hiểu tại sao anh vừa được xem là hiện tại vừa là tương lai của làng banh nỉ. Alcaraz là tay vợt có tốc độ di chuyển nhanh nhất thế giới, và chỉ có Alex de Minaur (người đã lọt vào chung kết) cạnh tranh được với anh. Những cú bỏ nhỏ và trái tay hai tay của anh đã đánh bại được những tay vợt phòng ngự tốt nhất thế giới hiện nay. Và anh luôn thi đấu với một khát khao cực kỳ đặc biệt.
Sự lôi cuốn của Alcaraz thậm chí khiến rất nhiều tài năng cùng trang lứa với anh bị ngó lơ. Holger Rune – tay vợt hạng 5 thế giới – đã đánh tập với Alcaraz hôm Chủ nhật tuần trước, nhưng không ai quan tâm đến tài năng trẻ người Đan Mạch này, dù thực tế, đó có thể là kình địch của Alcaraz trong 1 thập kỷ tới. Nếu như Federer ở thời kỳ đỉnh cao mang dáng vẻ của vương giả, thì Alcaraz toát lên vẻ lạnh lùng của một siêu sao thời hiện đại.
Shelton, già hơn Alcaraz 7 tháng, cũng là một tay vợt giàu triển vọng với những cú giao bóng sấm sét và khả năng bao sân tốt khả năng trả giao bóng ấn tượng. Tài năng trẻ này khiến Alcaraz phải mất 42 phút mới thắng 6-3 ở set đầu tiên. Set thứ hai, Shelton thắng game đầu bằng một cú giao bóng với vận tốc 227 km/h. Thế nhưng đám đông khán giả thì vẫn xôn xao trước chiến thắng của Alcaraz ở set đầu.
Alcaraz không có phong độ tốt nhất
Alcaraz tiếp tục bị đẩy tới hạn bởi tốc độ của Shelton, nhưng đôi khi anh cũng thể hiện tại sao mình xứng đáng với sự ngưỡng mộ của mọi người chẳng hạn như pha bỏ nhỏ trên lưới tinh thế ở game thứ hai hay cú trái tay trên lưới ở game thứ 9. Cuối cùng, Alcaraz thắng set đó với tỷ số 7-3 ở loạt tie-break. Màn trình diễn ấy rõ ràng không phải hay nhất, và anh lý giải rằng "trận đầu tiên ở mọi giải đấu đều không bao giờ là dễ dàng".
Nhưng ở trận kế tiếp thì sao? Alcaraz khởi đầu rất tệ khi bị Hubert Hurkacz dẫn 3-0, rồi thua 3-6 ở set đầu. Tay vợt người Tây Ban Nha mắc khá nhiều lỗi kép (double fault) suốt cả giải, hiệu quả giao bóng một của anh cũng giảm sút đáng kể. Ở set thứ hai, không tay vợt nào giành break, trước khi Alcaraz thắng 7-2 ở loạt tie-break. Phải đến set thứ ba, chúng ta mới thấy hình ảnh thật của tay vợt số một thế giới, với những cú thuận tay trứ danh để dẫn 5-2. Nhưng rồi sự tự mãn lại xuất hiện.
Alcaraz quá tài năng, đến nỗi anh coi các trận đấu của mình như những buổi thí nghiệm, bằng cách cố tung ra những cú bỏ nhỏ. Anh cũng hai lần tung ra những cú tweener (giữa hai chân) và spin-o-rama (đánh trái tay khi quay người về phía đối thủ). Việc tăng độ khó cho bản thân có thể mang lại những khoảnh khắc tuyệt vời, nhưng đôi khi có thể phải trả giá đắt. Lợi thế 5-2 của Alcaraz bốc hơi, và thậm chí anh còn thua 4 game liên tiếp. Rất may, Alcaraz kịp trở lại ở game thứ 12, và sau đó thắng 7-3 ở loạt tie-break.
Những gì diễn ra ở loạt tie-break có lẽ thể hiện rõ nhất khác biệt về mặt đẳng cấp, bởi Alcaraz đã đánh bại Hurkacz bằng việc kết hợp những cú bỏ nhỏ, nửa volley và giao bóng đặc biệt chính xác để ấn định cuộc lội ngược dòng sau 2 giờ 38 phút. Về góc độ giải trí, đây là trận đấu hay nhất giải, nhưng rõ ràng, xét về phong độ, đó không phải Alcaraz ở Wimbledon.
Gáo nước lạnh cần thiết
Nếu những chiến thắng, dù nhọc nhằn, có thể tạo nên những ánh bình minh giả tạo, thì thất bại lại là gáo nước lạnh cần thiết để người ta có thể tỉnh ngộ. Sau hai chiến thắng vất vả, Alcaraz đã dừng bước trước Tommy Paul, đối thủ từng đánh bại anh ở vòng hai năm ngoái (khi giải diễn ra ở Montreal).
Tay vợt số một thế giới đã mắc những lỗi kép ngay đầu trận. Anh bị mất break ngay game đầu, và thua game sau đó bởi hai cú đánh hỏng (unforced error) liên tiếp. Khả năng bao sân của Alcaraz bị thử thách dữ dội trước những cú điều bóng của Tommy Paul. Tay vợt người Mỹ giành thêm break nữa, trong khi Alcaraz thực sự gây thất vọng với những cú thuận tay vốn được coi là sở trường của mình. Alcaraz thua 3-6 ở set đầu, và đám đông khán giả bắt đầu rên rỉ. Họ tới xem màn trình diễn của tay vợt số một thế giới, nhưng thay vào đó đã phải chứng kiến sự tổn thương của một chàng thanh niên 20 tuổi.
Ý chí của Alcaraz giúp anh trỗi dậy trong set thứ hai với chiến thắng 6-4, và khoảnh khắc anh ghi điểm với cú tweener đi sát baseline ở game thứ 6 khiến đám đông bùng nổ. Nhưng động lực ấy lại không được duy trì sang set thứ ba, mà thay vào đó lại là hình ảnh thất bại ở set đầu. Paul thắng game đầu sau khi Alcaraz đánh rúc lưới ở pha đánh bền với 18 lần chạm vợt. Và điểm quyết định dẫn đến chiến thắng của Paul là break ở games thứ 6. Đó là sự kết hợp giữa khả năng điều bóng hoàn hảo của Paul và những cú đánh hỏng của Alcaraz. Dù cố cứu một matchpoint, nhưng Alcaraz bất lực trước cú trái tay quyết định của Paul.
Paul đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của một nhóm CĐV từ Mỹ sang, nhưng sự bàng hoàng trên phần lớn khán đài minh chứng rằng đại đa số khán giả tới đây để cổ vũ cho Alcaraz, và họ không giấu nổi sự thất vọng.
Thất bại của Alcaraz, nếu nhìn nhận về chuyên môn, không hẳn là một cơn địa chấn, nhất là nhìn vào phong độ của anh ở Toronto. Nhưng chính vì anh đã tạo ra một hào quang bất khả chiến bại khiến người ta kỳ vọng vào anh quá nhiều. Mà trong môn thể thao này, đôi khi khoảng cách giữa xuất sắc và thảm họa rất mong manh.
Swiatek cũng gây thất vọng
Đến Toronto với vị thế số một thế giới, Iga Swiatek được kỳ vọng sẽ lên ngôi vô địch, nhưng cô đã dừng chân ở bán kết sau khi thua Jessica Pegula 2-6, 7-6 (4), 4-6.
Năm ngoái, Swiatek từng đánh bại Pegula trong cả 4 lần chạm trán, nhưng ở mùa giải này, Pegula đã thắng tay vợt người Ba Lan ở 2 trong 3 lần đối đầu. Trận thắng trước đó của Pegula là ở United Cup hồi tháng Giêng (6-2, 6-2) khi đội tuyển Mỹ thắng ĐT Ba Lan trên hành trình vô địch giải đấu này.
Pegula từng thua trong cả hai lần lọt vào bán kết Canadian Open. Nhưng giờ thì cô đứng trước cơ hội trở thành tay vợt Mỹ đầu tiên sau Serena Williams (2013) vô địch giải WTA 1000 tại Canada này