Bayern và MU: Hai thái cực về khía cạnh đầu tư
(Thethaovanhoa.vn) – Bayern Munich chi 200 triệu bảng mua sắm và có được danh hiệu Champions League. Trong khi đó, đội hình 11 người của ‘Quỷ đỏ’ trong trận thua thảm trước Tottenham có giá trị 456 triệu bảng. Khác biệt nằm ở đâu?
Dường như đang có một vòng lặp khó hiểu ở MU. Sau khi gặp bế tắc, họ sẽ ký hợp đồng với một ngôi sao già cỗi trong ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng và thuyết phục họ bằng mức lương khủng 200.000 bảng/tuần. MU lợi dụng tham vọng trong cuộc đời của những cầu thủ này để thuyết phục họ gia nhập sân Old Trafford.
Đó là trường hợp của Radamel Falcao, 28 tuổi, năm 2014. Khi đó anh nói: “Đây là cơ hội cả đời, bạn không thể từ chối điều đó”. Và mới đây nhất là trường hợp của Edison Cavani, 33 tuổi, người đã phát biểu: “Đây là một trong những CLB vĩ đại nhất thế giới, thật vinh dự khi được ở đây”.
Danh tiếng dường như là điều MU quan tâm đến và Ed Woodward từng trích dẫn số liệu của Google về thương vụ của Falcao trước đây. Tuy nhiên, đó là một sự đầu tư thất bại và 20 triệu bảng nhanh chóng bị ném xuống hố.
Vì vậy, hãy xét đến một trường hợp khác, một CLB đã lặng lẽ khép lại ngày cuối cùng trên thị trường chuyển nhượng bằng cách mua về hàng loạt cầu thủ mà nhiều người gần như chắc chắn chưa từng nghe đến tên họ. Đó là Bayern Munich.
“Hùm xám” đã trả Marseille 9 triệu bảng để mua Bouna Sarr, một hậu vệ phải, và trả cho Espanyol 8,1 triệu bảng để mang về Marc Roca, tiền vệ trung tâm.
Những cầu thủ này được xếp hạng vô danh trên thang điểm Twitter của bóng đá - lần lượt là 94k và 16,7k. Nếu để so với Eric Bailly đã là rất khập khiễng khi ngôi sao của MU có lượt reach 1,2 triệu.
Những thương vụ kiểu này là cách Bayern biến MU thành “đốm sáng trên gương chiếu hậu” của họ, dù chi tiêu ít hơn trên thị trường chuyển nhượng.
Một sự thật khiêm tốn khác là đội hình xuất phát của Bayern trong trận chung kết với PSG ở Champions League vừa qua chỉ có giá trị 200 triệu bảng. Trong khi đó, đội hình của MU trong trận thua Tottenham có giá trị lên tới 456 triệu bảng. Sự xuất hiện của Paul Pogba và Harry Maguire sẽ mua được gần như toàn bộ đội hình của Bayern.
Có một cách tiếp cận cổ điển để điều hành bóng đá Đức. Đó là họ không chi nhiều hơn số tiền họ kiếm được để mua cầu thủ.
Nhưng có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa Bayern và MU là triết lý sâu xa từ những người điều hành. Bayern có những giám đốc là những người đã thi đấu trong vai trò cầu thủ. Họ có Hasan Salihamidzic, Uli Hoeness và Oliver Kahn, những người sẽ kế nhiệm Karl-Heinz Rummenigge.
Còn ở MU, quyết định mua sắm lại thuộc về Ed Woodward - một sinh viên tốt nghiệp vật lý - hoặc người bạn của ông Matt Judge - một sinh viên tốt nghiệp kinh tế và quản lý. Họ hẳn sẽ bị cười nhạo khi bước ra khỏi phòng họp của Bayern.
Và đó là cách mà một đội hình Bayern không thể đụng hàng đã được xây dựng. Họ mua những cầu thủ cần thiết, thậm chí săn lùng những tài năng tốt nhất từ chính giải Bundesliga.
Nhiều người ở Đức cũng phải ngạc nhiên rằng các CLB của họ đã khéo léo trong việc mua sắm như thế nào. Và nó được thể hiện qua thành công của bóng đá Đức trong năm vừa qua, khi cả RB Leipzig cũng lọt vào đến bán kết Champions League.
Trên cương vị HLV, Sir Alex Ferguson không phải lúc nào cũng thích Bayern. Ông từng mô tả họ là “những người Đức cổ điển” khi MU bị Bayern loại khỏi Champions League năm 2010.
Nhưng vào năm ngoái, huyền thoại người Scotland cũng phải ca ngợi về cách điều hành của Bayern.
“Họ là một CLB được điều hành với một nền tảng phù hợp. Các cựu cầu thủ điều hành nó. Thực sự, họ đã làm đúng cách”, Sir Alex nói.
Đây dường như là một lời nhắc dành cho chính đội bóng cũ MU của ông. Một kỳ chuyển nhượng đã trôi qua và kỳ chuyển nhượng khác sẽ đến, MU sẽ mua ai lúc đó đây?
Trung Phạm
Tổng hợp